Nghị định này quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù
Nghị định nêu rõ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 5 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng đang có thời gian công tác liên tục từ đủ 5 năm trở lên ở khu vực biên giới đất liền, đảo, quần đảo, hằng tháng được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo.
Trường hợp chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo được quy định tại nhiều văn bản thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chế độ, chính sách đó. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội Biên phòng khi làm cán bộ tăng cường xã biên giới nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hằng tháng được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng sức khỏe hằng năm tăng thêm theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc phối hợp
Nghị định cũng quy định cụ thể về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo đó, phạm vi, nguyên tắc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Luật Biên phòng Việt Nam.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định từ Điều 7 đến Điều 27 Nghị định này.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung phối hợp tại khoản 3 Điều 10 Luật Biên phòng Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp xác định hình thức, phương pháp để phối hợp thực thi hiệu quả nhiệm vụ biên phòng; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh và phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới.
Đồng thời, căn cứ chức năng, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và Nghị định này.