Tham dự buổi làm việc có đại diện các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và lãnh đạo một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế, tìm hiểu tình hình sạt lở bờ biển Tây thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao việc tỉnh huy động nguồn vốn từ trung ương, tỉnh và vận động doanh nghiệp để triển khai các giải pháp công trình và phi công trình gồm: Kè tạm, kè bê tông kiên cố với tổng chiều dài 23.667 m, vốn đầu tư hơn 625 tỉ đồng, thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ biển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá giá cao nỗ lực của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là các tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ngăn sạt lở, xâm thực bờ biển; góp phần bảo vệ công trình đê biển, rừng phòng hộ cũng như bảo đảm an toàn đối với tính mạng và tài sản của người dân khu vực ven biển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn… nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch, lập kế hoạch và các biện pháp ứng phó chưa được địa phương coi trọng đúng mức; việc bố trí nguồn vốn phục vụ xây dựng các công trình kè chống sạt lở còn hạn chế, nhất là việc huy động các nguồn lực xã hội chưa mang lại hiệu quả cao nên thường bị động nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình kè khắc phục sạt lở.
Vì vậy, các tỉnh phải nắm chắc diễn biến tình hình sạt lở, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân; đồng thời xây dựng giải pháp ứng phó, khắc phục kịp thời. Đối với những vùng nguy cơ sạt lở nguy hiểm cần thực hiện tốt phương án sơ tán, di dời dân ven biển vào các khu tái định cư nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân, đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, với thẩm quyền của mình, UBND các tỉnh cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tăng cường kiểm tra, rà soát công tác quy hoạch, lồng ghép triển khai có hiệu quả đầu tư xây dựng công trình kè phòng, chống sạt lở, xâm thực bờ biển nhưng phải thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đoạn sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển Tây thuộc địa phận xã khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. |
Bên cạnh đó, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng trái phép gây sạt lở bờ biển; chú trọng việc gia cố những đoạn bờ biển, đê biển bị sạt lở nghiêm trọng gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng để dần khôi phục diện tích rừng bị mất do sạt lở gây ra.
Là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau luôn gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây nên tình trạng sạt lở bờ biển. Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, hơn 4.000 ha rừng ven biển của tỉnh bị mất do sạt lở, nhiều đoạn bờ biển cũng sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ gây vỡ đê biển Tây.
Cùng với đó, bờ biển phía Đông của tỉnh cũng trong tình trạng sạt lở hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, đe dọa trực tiếp đối với tính mạng, tài sản của hàng chục ngàn hộ dân ven biển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát tình hình sạt lở bờ biển Tây tại Cà Mau. |
Trước khó khăn về nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề xuất với Đoàn công tác Chính phủ và các bộ, ngành trung ương bổ sung, tăng vốn hỗ trợ cho tỉnh đầu tư các dự án kè chống sạt lở ven biển, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ, các khu tái định cư để bố trí di chuyển, định cư cho những hộ dân ở vùng ven biển cửa sông có nguy cơ bị sạt lở cao, đây là những dự án bức thiết cần phải đầu tư "khẩn cấp".
Bên cạnh việc xem xét, ưu tiên vốn thì Chính phủ cho phép tỉnh tăng hạn mức huy động vốn; áp dụng cơ chế ngân sách trung ương cấp phát toàn bộ vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; bởi các dự án này không có khả năng thu hồi vốn, mà chủ yếu giữ đất khu vực ven biển, khôi phục lại rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, trung ương cần sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để địa phương chủ động vận dụng trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời...
Vấn đề bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý về đất đai, rừng và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để huy động có hiệu quả nguồn vốn từ doanh nghiệp phục vụ cho đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở, cũng chính là quan tâm chung của một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạnh sạt lở, xâm thực bờ biển đã trực tiếp đe dọa đến các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang…
Chỉ tính từ năm 2011- 2016, diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm gần 10%, từ hơn 194.700 ha năm 2011 nay chỉ còn hơn 179.300 ha năm 2016. Ghi nhận những ý kiến bức xúc của các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, các bộ, ngành trung ương; trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND các tỉnh trong khu vực sớm nghiên cứu, bổ sung xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời hỗ trợ các giải pháp chống sạt lở mang tính khả thi cao… giúp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn.