Đề xuất đấu giá biển số xe đẹp đã được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất nhiều năm qua, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Đồng nghĩa, quy định của pháp luật mới coi biển số là mã số để quản lý mà chưa coi đó là một loại tài sản để mang ra đấu giá.
Việc đấu giá biển số vừa thỏa mãn được nhu cầu của người dân, vừa đem lại nguồn thu cho ngân sách, đồng thời tránh xảy ra tiêu cực, xin cho. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã được bổ sung nội dung công nhận các kho số cũng là một loại tài sản công, vì vậy, việc đấu giá biển số đã có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Để phân loại cụ thể về tài sản công, Quốc hội đã giao Bộ Tài chính xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, trong đó xem xét đưa "kho số" như biển số xe, số điện thoại vào danh mục tài sản công. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng quy chế, thực hiện đấu giá các loại tài sản này, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Được biết, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề nghị đưa số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp... vào nội dung tài sản công.
Tại diễn đàn Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, nhu cầu người dân có biển số đẹp là có thực và nguồn lực có thể thu được từ việc đấu giá biển số xe là rất lớn. Việc đấu giá biển số vừa thỏa mãn được nhu cầu của người dân, vừa đem lại nguồn thu cho ngân sách, đồng thời tránh xảy ra tiêu cực, xin cho. Do đó, đây là việc “vừa ích nước, vừa lợi nhà”.
Cùng quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng: Cần hình thành được các quy định liên quan và thực hiện được việc đấu giá biển số xe. Nếu việc đấu giá biển số xe có các quy định chặt chẽ, các thủ tục đấu giá được tiến hành đúng quy định thì không chỉ đem lại về nguồn thu lớn cho ngân sách mà còn đáp ứng được nhu cầu của người dân.