Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cơ quan Thường trực Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cho thấy năm 2017, công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của phong trào đã được Ban Chỉ đạo Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương quán triệt thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.
Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo; đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng phong trào gắn với các hoạt động phong trào thi đua yêu nước khác; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng.
Quy trình bình xét các danh hiệu văn hóa, đặc biệt là gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy trình, nâng cao trách nhiệm của Ban Công tác mặt trận, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của phong trào tại địa phương đã được các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện nghiêm túc, qua đó kịp thời nắm bắt thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung những tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo tổng hợp 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước hiện nay có hơn 24 triệu hộ. 19,7 triệu hộ đăng ký gia đình văn hóa. 17,8 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. 80.849 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 57.727 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố đã được công nhận, bằng 71,40%.
Đối với công tác chỉ đạo xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được quan tâm thực hiện, nhằm mục tiêu xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. .269 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 57.800 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được công nhận (84,67%).
Các thiết chế văn hóa đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm trong bố trí quy hoạch sử dụng quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt về văn hóa, thể thao của nhân dân. Toàn quốc hiện có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm văn hóa, Nhà triển lãm...); 613/713 quận, huyện có Trung tâm văn hóa- Thể thao hoặc Nhà văn hóa huyện, đạt khoảng 86%. Cả nước có 5.996/10.230 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa, thể thao (đạt 58,5%); 66.513/109.727 thôn, buôn, bản có nhà văn hóa, đạt 60,6%...
Kết quả thực hiện phong trào thời gian qua là sự khẳng định đúng đắn về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chiến lược xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hướng tới sự phát triển toàn diện, hài hòa, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, đáp ứng thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương chưa kịp thời, chưa đầy đủ, cán bộ làm công tác phong trào luôn biến động, do đó gặp khó khăn, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện. Tình trạng chạy theo hình thức, chạy đua thành tích dẫn đến việc một số địa phương bình xét qua loa, hình thức, nể nang, thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư và xã hội. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp rất hạn chế. Cán bộ làm công tác phong trào phải kiêm nhiệm nhiều Ban Chỉ đạo, phân tán lực lượng do đó chưa chuyên tâm làm tốt nội dung hoạt động phong trào...
Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần xây dựng những chuẩn mực đạo đức mới trong giai đoạn mới. Bộ cần chuẩn hóa các tiêu chuẩn văn hóa, trước tiên từ đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan, bộ, ban, ngành. Xây dựng văn hóa không phải là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa mà là của toàn xã hội.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, năm qua, hoạt động của Ban Chỉ đạo đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cần tiếp tục thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo, đặc biệt cần có sự thay đổi về phương thức hoạt động, xác định nội hàm của Phong trào trong tình hình mới để phong trào đi vào thực chất.
Văn hóa là nền tảng của xã hội. Nếu vì sức ép kinh tế để mất nền tảng văn hóa sẽ khó có thể lấy lại được. Hiện vẫn còn những biểu hiện tiêu cực trong các mặt của đời sống xã hội nhưng bên cạnh đó vẫn có những điểm tốt, những sáng tạo mới tạo ra những giá trị mới, do vậy, không vì thế mà có thể để mất đi những giá trị văn hóa cũ. Ban Chỉ đạo cần làm tốt trách nhiệm giữ gìn các giá trị văn hóa này - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2018, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" để có các giải pháp chấn chỉnh các bất cập trong việc thực hiện Phong trào; hoàn thiện Nghị định về xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa. "Làm sao để có các tiêu chí, tiêu chuẩn là thước đo để toàn dân thực hiện, thể hiện được giá trị cốt lõi của văn hóa... Việc bình xét các danh hiệu văn hóa phải phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương". Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí mang tính hướng dẫn, các địa phương thực hiện theo tiêu chí riêng, dựa trên các tiêu chí chung.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát, tổng hợp lại xem hiện nay có bao nhiêu Cuộc vận động, Phong trào đang được thực hiện, tìm ra điểm trùng, điểm khác nhau, đề ra giải pháp xử lý, để hoạt động của Ban Chỉ đạo mang tính tổng hợp; nghiên cứu cơ chế bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, cơ quan nghiêm túc thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-TTg về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; góp ý xây dựng Chỉ thị về việc cưới việc tang để có thể sớm ban hành.