Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2016. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 cao nhất với Bộ có kết quả thấp nhất là 20,77%. Trong bảng xếp hạng đối với các địa phương, thành phố Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí đầu bảng với kết quả Chỉ số đạt được là 90,32%. Ngược lại, Hậu Giang là địa phương có Chỉ số cải cách hành chính đứng cuối bảng, đạt 62,55%, thấp hơn 27,77% so với Đà Nẵng.
Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính khối bộ, ngành là 80,94% Bộ Nội vụ cho biết, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80% bao gồm 9 bộ, cơ quan ngang bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 70% đến dưới 80% gồm 10 bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Dân tộc; Thanh tra Chính phủ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 80,94%. Không có Bộ nào có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 70%. Giá trị trung bình của các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực đã phản ánh kết quả đạt được của 19 bộ, cơ quan ngang bộ trong triển khai từng nội dung cải cách hành chính. Các lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và đánh giá tác động của cải cách hành chính có giá trị trung bình trên 80%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Dân tộc và Bộ Giao thông Vận tải là 5 đơn vị đứng đầu Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính, đạt kết quả 100%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đứng cuối Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính, với kết quả là 61,90%.
Tại lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 2 đơn vị dẫn đầu, cùng đạt 100% số điểm ở lĩnh vực này. Bộ Xây dựng xếp ở vị trí cuối cùng đạt Chỉ số thành phần 57,14%.
Lĩnh vực hiện đại hóa hành chính có kết quả thấp nhất trong số 8 lĩnh vực của Chỉ số cải cách hành chính, với giá trị trung bình 61,15%. Qua nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính đã cho thấy những bất cập của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số thành phần hiện đại hóa hành chính cao nhất 90,48%. Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Chỉ số thành phần Hiện đại hóa hành chính thấp nhất với kết quả là 28,57%.
Giá trị trung bình của Chỉ số đánh giá tác động của cải cách hành chính mà các bộ đạt được là 81,84%. Có 8 bộ đạt Chỉ số đánh giá tác động của cải cách hành chính trên mức trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có số điểm 35,18/ điểm, đạt Chỉ số đánh giá tác động của cải cách hành chính 92,58%, là đơn vị dẫn đầu trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng là đơn vị đạt được tỷ lệ điểm số cao nhất ở 5/6 nội dung tác động. Trong khi đó, Bộ Nội vụ là đơn vị có số điểm đánh giá tác động của cải cách hành chính thấp nhất là 27,69 điểm, đạt Chỉ số đánh giá tác động của cải cách hành chính là 72,86%.
Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính các địa phương là 74,64%
Theo kết quả đánh giá, Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 74,64%; trong đó, có 30/63 đơn vị đạt kết quả trên giá trị trung bình. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 được chia thành 4 nhóm, gồm nhóm A có Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, nhóm B từ 80% đến dưới 90%, nhóm C từ 70% đến dưới 80% và nhóm D, Chỉ số cải cách hành chính dưới 70%.
Với nhiều mô hình cải cách hay, các giải pháp mới được thí điểm áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách, được nhiều địa phương khác đến nghiên cứu, học tập, triển khai đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao, Đà Nẵng là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số thuộc nhóm A.
Trong số 8 lĩnh vực đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính là lĩnh vực có kết quả Chỉ số thành phần có giá trị trung bình cao nhất, đạt 91,51%. Theo báo cáo, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thường xuyên rà soát để kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc đúng theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Việc thành lập, giải thể, sáp nhập tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đều được thực hiện theo đúng nguyên tắc, thẩm quyền được phân cấp; đồng thời, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức.
Có 9 địa phương đạt tỷ lệ điểm tối đa ở Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính gồm: Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Yên, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên. Hai địa phương có kết quả này thấp nhất là Hải Dương và Hậu Giang, cùng đạt 58,33%. Có 8 tỉnh, thành phố cùng đứng vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng về cải cách tài chính công với tỷ lệ điểm đạt được là 100%. Trong nhóm 5 địa phương xếp cuối đều chỉ đạt tỷ lệ điểm dưới 40% thì Lào Cai là địa phương có kết quả thấp nhất với tỷ lệ điểm là 25%.
Theo kết quả đánh giá, Chỉ số đánh giá tác động của cải cách hành chính tại các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình là 80,29%. Trong đó, 29/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số trên giá trị trung bình. Tỉnh Phú Thọ là địa phương dẫn đầu về kết quả Chỉ số đánh giá tác động của cải cách hành chính, đạt 95,50%. 4 đơn vị khác có kết quả Chỉ số tác động đạt trên 90% là Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương. Trong khi đó, 4 địa phương đứng cuối Chỉ số này đều có kết quả đạt dưới 70%; Cao Bằng là đơn vị có Chỉ số tác động thấp nhất với tỷ lệ điểm đánh giá chỉ đạt 65,89%.
Kết quả đánh giá tác động của cải cách hành chính theo 8 nhóm tác động cho thấy, trong năm 2016, nhóm tác động của cải cách hành chính đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức có tỷ lệ điểm trung bình cao nhất, đạt 85,77%. Điều này cho thấy, những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các địa phương trong năm 2016 đã tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính, đơn giản hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để phục vụ người dân, tổ chức đến làm thủ tục hành chính.
Cùng với đó, năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức giải quyết thủ tục hành chính cũng từng bước được nâng lên, thể hiện ở kết quả đánh giá tác động của cải cách hành chính đến đội ngũ công chức giải quyết thủ tục hành chính có tỷ lệ điểm trung bình khá cao, đạt 82,92%, xếp ở vị trí thứ 2/8 nhóm tác động. Tuy vậy, chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chưa được đánh giá cao, nhất là đối với dịch vụ sự nghiệp y tế công lập và dịch vụ giáo dục công lập. Điều này thể hiện ở kết quả đánh giá chất lượng 2 loại dịch vụ trên vẫn còn ở mức khá thấp, chỉ đạt tỷ lệ điểm 72,37%.