Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng hạng

Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, Việt Nam đã tăng 1 hạng lên vị trí 88 so với lần xếp hạng trước vào năm 2016.

Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm có chỉ số Dịch vụ công trực tuyến OSI (Online Services Index) và Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index) ở mức cao (tăng từ 0,5 đến 0,75 điểm). Như vậy, sau 2 năm, Việt Nam đã cải thiện được cả 3 chỉ số thành phần; tăng 1 bậc về chính phủ điện tử. Trong nhóm các nước khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.

Chú thích ảnh
Hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025”, Việt Nam đặt ra mục tiêu là đến hết năm 2020 nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI của Liên hợp quốc năm 2014, Việt Nam xếp hạng 99/193. Năm 2016, Việt Nam xếp hạng 89...

Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) 2018 được chia thành các nhóm nhỏ (rất cao, cao, trung bình và thấp). Trong báo cáo Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, có 40 quốc gia được chấm điểm “rất cao” với chỉ số Chỉ số chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) từ 0,75 - 1 điểm. Việt Nam nằm trong nhóm được đánh giá phát triển “cao” với chỉ số từ 0,5 - 0,75 điểm. Các nước có điểm EGDI từ 0,25 - 0,5 được đánh giá là mức tăng trung bình, nhóm tăng thấp có mức điểm tăng dưới 0,25. Đan Mạch, Australia và Hàn Quốc hiện là các quốc gia đứng đầu thế giới về mức độ phát triển chính phủ điện tử.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo năm 2018 là chỉ số Dịch vụ công trực tuyến OSI (Online Services Index) đóng vai trò chính trong cải thiện chỉ số Chính phủ điện tử. Các nước thu nhập trung bình và thấp có xu hướng tăng điểm từ Chỉ số Hạ tầng viễn thông TII (Telecommunication Infrastructure Index) và Dịch vụ công trực tuyến OSI. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy việc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ công đã dẫn đến những tiến bộ chung về phát triển chính phủ điện tử...

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) của Liên hợp quốc là một bộ chỉ số tổng hợp trung bình về 3 lĩnh vực quan trọng nhất của Chính phủ điện tử là: Quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI). Chỉ số này được sử dụng để đo lường sự sẵn sàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp các dịch vụ công của các quốc gia.

Chỉ số này giúp các quốc gia, tổ chức nghiên cứu, nhà hoạch định hiểu biết sâu sắc hơn về điểm chuẩn so sánh của các vị trí tương đối của một quốc gia trong việc sử dụng Chính phủ điện tử cho các hoạt động, trách nhiệm công dân và khả năng cung cấp dịch vụ công. Cứ 2 năm một lần, Ủy ban các vấn đề kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (UNDESA) cung cấp toàn cảnh bảng xếp hạng việc phát triển Chính phủ điện tử của các nước thành viên Liên hợp quốc.

Chi tiết báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về Chỉ số Chính phủ điện tử 2018 được đăng tải tại địa chỉ: https://publicadministration.un.org/egovkb/portals/egovkb/documents/un/2018-survey/e-government%20survey%202018_final%20for%20web.pdf.

Ngọc Bích (TTXVN)
Thực trạng và giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử
Thực trạng và giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về thực trạng công tác xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay, những vướng mắc, khó khăn và những giải pháp của Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN