Để doanh nghiệp không phải than phiền

Ngày 17/5 sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp năm 2017 và sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP (Nghị quyết 35) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Để chuẩn bị cho hội nghị này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổng hợp báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 35 của các bộ, ngành và địa phương, VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và ý kiến đề xuất của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc.

Báo cáo ghi nhận khá nhiều kết quả khả quan về công tác cải cách thủ tục hành chính; xây dựng mô hình trung tâm hành chính công để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân hay tổ chức kê khai thu nộp thuế điện tử và việc tích cực đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp…

Doanh nghiệp mong muốn thủ tục về thuế được đơn giản hóa. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Song thực tế vẫn còn không ít doanh nghiệp than phiền và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tuy đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu chung của doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho biết, doanh nghiệp than phiền chủ yếu về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Có những doanh nghiệp phải tiếp từ 6 đến 7 đoàn thanh tra, kiểm toán/năm và thậm chí là trên 10 đoàn chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức. Nhiều doanh nghiệp còn nêu ý kiến về công tác đối chiếu thuế, lỗi do phần mềm thuế cập nhật chậm, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đã đóng thuế nhưng vẫn bị thông báo là nợ thuế.

Đáng buồn là trình độ và năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư còn hạn chế, dẫn tới gây phiền hà, những nhiễu và bức xúc cho doanh nghiệp.

Là người có nhiều thực tế khảo sát ý kiến từ doanh nghiệp trên cả nước, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) bổ sung thêm, hiện nay, không ít tỉnh còn nhẫm lẫn giữa chỉ tiêu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả với chỉ tiêu đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Một số địa phương khác thì không chỉ rõ số lượng doanh nghiệp cụ thể, mà chỉ đăng ký chỉ tiêu một cách chung chung về số doanh nghiệp đến năm 2020 tăng gấp đôi so với số doanh nghiệp hiện tại. Điều này dẫn tới quan ngại về căn bệnh thành tích của các cơ quan, chính quyền ở địa phương.

Thêm nữa, các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như các sở, ban ngành tỉnh, UBND các cấp cũng chưa chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nên chưa đề ra được các giải pháp cụ thể, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Đâu đó vẫn có nơi, một số UBND các tỉnh chưa đảm bảo tổ chức đối thoại với doanh nghiệp công khai định kỳ ít nhất là hai lần/năm, ông Tuấn khẳng định.

Bản thân các doanh nghiệp cũng chưa được tuyên truyền nhiều, chưa nắm được tinh thần của Nghị quyết 35 nên chưa hiểu được những lợi ích thiết thân mà mình đáng được hưởng.

Từ thực tế của doanh nghiệp mình, ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng Miền Trung (DMT) cho biết, cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác, DMT ít sử dụng các kênh trực tuyến hỏi đáp trên cổng thông tin điện tử của địa phương hay của các đơn vị trực thuộc địa phương khi có vướng mắc, khó khăn, kiến nghị. Nguyên nhân chính do việc trả lời chưa kịp thời, thiếu cụ thể; công nghệ của các cổng thông tin còn lạc hậu; một số trang thông tin được thành lập chỉ mang tính hình thức, không cập nhật và thông tin nghèo nàn. Việc chờ đợi phản hồi, nhiều khi khiến doanh nghiệp lỡ cơ hội đầu tư hoặc ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

DMT cũng được thông tin về Nghị quyết 35 và một số chính sách, cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cụ thể được hưởng lợi như thế nào về thuế, về tài chính, về đất đai và những vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ giải quyết thế nào thì chưa nhìn thấy vai trò của các cấp cơ sở tại địa phương; trong đó, kể cả cầu nối là các hiệp hội mà doanh nghiệp là thành viên, ông Hải chia sẻ.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của người đứng đầu Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, nên các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ cải cách; trong đó, đặc biệt là lĩnh vực thủ tục hành chính mà cụ thể là thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều này không hẳn là không nảy sinh bất cập. Bởi lẽ với việc được cấp phép nhanh như vậy cũng không dễ để kiểm soát được tình hình thực tế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thực sự và đủ năng lực? Doanh nghiệp nào là doanh nghiệp ma, thành lập để trá hình... Điều đó đã dẫn tới thực tế là ở một số giai đoạn và ở một số ngành nghề đang nảy sinh tình trạng loạn doanh nghiệp. Cụ thể như, trước đây cũng 1 sản phẩm đó thì chỉ có 5 đến 10 doanh nghiệp sản xuất, nay thì có tới cả trăm doanh nghiệp làm. Đông như thế, ai vào làm, ai xin ra hay là dẹp và đóng cửa... khó có thể kiểm soát nổi!

Thêm nữa, hiện nay, chúng ta đang thống kê được đầy đủ về số lượng doanh nghiệp cụ thể. Nhưng số lượng doanh nghiệp kê khai thuế đầy đủ mới là con số chính xác và số lượng doanh nghiệp làm ăn có lãi thì lại chưa được cơ quan hay tổ chức nào công khai. Đến đây đã là giai đoạn mà bất kỳ ai làm ăn chân chính đều mong mỏi được biết, được công khai thông tin về những doanh nghiệp nào đóng thuế đầy đủ, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước với người lao động đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, thực tế thì những thông tin đang được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua cổng thông tin điện tử... còn rất chung chung, thậm chí là không chính xác nên chưa phản ánh thực chất về tình hình phát triển của từng doanh nghiệp. Đó là điều không công bằng, nhất là trong bối cảnh, Nhà nước chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp bằng mọi cơ chế, chính sách hiện có nhưng cũng phải đi kèm các điều kiện để lựa chọn và xác định cho rõ đâu là đối tượng được thụ hưởng.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, vấn đề vốn và thuế hay hỗ trợ mặt bằng sản xuất luôn là câu chuyện thiết thân, gắn với sự sống còn của doanh nghiệp. Chủ trương hỗ trợ của Chính phủ đã có 1 năm nay, tuy nhiên, điểm lại có bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng lợi, được hỗ trợ tín dụng, được giảm thuế hay cho thuê đất với giá rẻ... từ các chính sách có liên quan tới Nghị quyết 35 thì thực tình gần như là không.


Nguyên nhân chính của việc doanh nghiệp không với tới, không tiếp cận được nguồn hỗ trợ là do thiếu những hướng dẫn đầy đủ, chi tiết; những quy định thực tiễn hơn gắn với đời sống của doanh nghiệp.

Rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan điểm rằng, Chính phủ đã làm được nhiều việc quan trọng và có ý nghĩa là lắng nghe và chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhưng sẽ còn ý nghĩa nhiều hơn nếu những quyết sách đưa ra, những cơ chế hỗ trợ thẩm thấu tới đời sống doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp vững vàng hoạt động; mạnh mẽ hơn trong sản xuất kinh doanh; tự tin hơn khi cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà cả trên thế giới...

Hội nghị ngày mai, thêm lần thứ 2, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; những đề xuất, kiến nghị có liên quan tới Luật Doanh nghiệp 2014; Luật Đầu tư hay các quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, bản thân VCCI cũng sẽ có những kiến nghị gửi tới Chính phủ nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Cụ thể như, do mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay ở mức cao, nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giảm trừ thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định đầu tư, phát triển trong thời kỳ khó khăn; vận dụng linh hoạt các phương thức bảo đảm tiền vay; cân nhắc việc tăng lương tối thiểu vùng phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Hay việc nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất, giảm chi phí lao động, nhất là đối với các ngành đang sử dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, da giầy….

Ngoài ra, cần tiếp tục rút ngắn thời gian, và giảm bớt các thủ tục liên quan tới phá sản doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự; xây dựng các chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, cần điều tra, xử lý kịp thời đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái; đảm bảo chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, không trùng lắp cũng như không bỏ hở, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp FDI thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội
Đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp FDI thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Chế độ, hồ sơ nghỉ ốm đau, thai sản đối với người lao động; việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người nước ngoài; tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội… đây là những vấn đề doanh nghiệp FDI quan tâm đặt ra tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày 16/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN