Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Qua rà soát, dư nợ của các hợp đồng tín dụng mà Agribank ký kết từ ngày 1/1 đến ngày 22/8 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất là khoảng 40.000 tỷ đồng với 2.400 khách hàng. Hiện, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 là 1.700 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất là 1,5 tỷ đồng cho 361 khách hàng.
Dự kiến tháng 9/2022, lũy kế dư nợ mà Agribank thực hiện chương trình này là 8.500 tỷ đồng, với số tiền hỗ trợ lãi suất là khoảng 15 tỷ đồng. Ước đến hết năm nay số tiền lãi hỗ trợ là khoảng 1.000 tỷ đồng do các kỳ trả lãi dồn vào cuối năm.
“Sau 3 tháng triển khai, BIDV hỗ trợ được 20 khách hàng doanh nghiệp với số tiền hỗ trợ lãi suất là 66 tỷ đồng. Đây là con số rất khiêm tốn so với kỳ vọng”, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết.
Với quy định hiện hành, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank nhận định: Khả năng ngân hàng này không giải ngân hết 700 tỷ đồng được phân bổ là điều bình thường.
Phía VietinBank triển khai được khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng cho 171 khách hàng; Vietcombank thực hiện được 400 tỷ đồng dư nợ cho 52 khách hàng; Ngân hàng ACB mới triển khai được với mức dư nợ 244 tỷ đồng, cho 63 khách hàng; Ngân hàng TMCP Nam Á triển khai được mức dư nợ 770 tỷ đồng cho 17 hồ sơ. Còn đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho biết, chỉ có 30 khách hàng gửi hồ sơ va, ngân hàng mới giải quyết hỗ trợ cho vay được 3 khách hàng.
Sở dĩ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn chậm, theo Phó Tổng giám đốc Agribank, đa số khách hàng Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96% tổng số lượng khách hàng. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 1/1/2022 nên không đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40 - 50%/dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.
Một khó khăn nữa là tâm lý e ngại của ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tại điểm 2.4, khoản 2, điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, đã quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản… Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, thanh tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc đã tất toán, về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không có hóa đơn tài chính mà chỉ có có bảng kê thu mua hàng hóa.
Theo lãnh đạo Agribank, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề, lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết theo Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Do chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn NSNN nên chi nhánh của nhiều ngân hàng, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện. Nhiều khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để hỗ trợ lãi suất
“Một trong những yêu cầu đề ra trong Nghị định 31 là việc hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện với khách hàng đã gặp khó khăn và "có khả năng phục hồi". Thế nhưng, việc đánh giá "có khả năng phục hồi" là điều khó. Mặc dù ngân hàng có quy định nội bộ để xác định nhưng mỗi ngân hàng có thể có cách đánh giá khác nhau và cũng lo ngại sau này, các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra, quyết toán lại có quan điểm khác với các ngân hàng”, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết.
Không ít ngân hàng băn khoăn tại thời điểm này như việc đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi khi doanh thu tăng so với năm trước. Nhưng sau đó, do nguyên nhân khách quan, khách hàng không trả được nợ thì sao? Liệu việc ngân hàng đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng có vi phạm hay không? Các ngân hàng lẫn khách hàng có tâm lý sợ sai là không xác định được đối tượng một cách rõ ràng với trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành nghề.
Theo ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Phó Tổng giám đốc VietinBank, thực tế có nhiều khách hàng hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong số các lĩnh vực đó có lĩnh vực thuộc phạm vi được hỗ trợ. Tuy nhiên, ngân hàng khi thẩm định chi phí cũng không thể xác định rõ được bao nhiều phần trăm chi phí khách hàng đã dành cho ngành nghề này? bao nhiêu cho ngành khác? khiến ngân hàng gặp khó khăn khi xác định mục đích sử dụng vốn vay.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ, nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành liên quan sớm kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Cụ thể, Chính sách nên hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế, có những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng họ chỉ vay ngoại tệ. Ngoài ra, với hộ kinh doanh, nên chăng bỏ điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh? Đây là đối tượng thực sự khó khăn và mong muốn được giảm lãi vay. Bên cạnh đó, chính sách cũng cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể về khả năng phục hồi của khách hàng để các NHTM yên tâm triển khai cho vay và hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn tiền NSNN.
Theo báo cáo từ các NHTM, sau 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn NSNN, gần 550 khách hàng được hỗ trợ. Ước tính đến hết tháng 8/2022, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 13,5 tỷ đồng.
Lãnh đạo của Vietcombank, BIDV, TPBank... cũng cho biết, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện thì có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, trước hết, Chính phủ, các bộ ngành, NHNN xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.
“Đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 1/1/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị NHNN, các bộ ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này”, lãnh đạo Agribank đề xuất.