Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông cho biết, thực hiện chủ trương nhất quán “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, nhiều chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài đã được Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện.
Gần đây nhất, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận số 12), đặt ra nhiệm vụ “triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại”.
Triển khai Kết luận số 12, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, kinh doanh, nhà ở, đất đai…
Ông Nguyễn Mạnh Đông cho biết, theo phản ánh của bà con kiều bào, hiện vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai văn bản pháp luật do các quy định liên quan nằm rải rác trong văn bản pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc phổ biến, triển khai thực hiện đôi khi chưa đồng bộ và thống nhất; còn có cách hiểu và áp dụng các quy định khác nhau. Do đó, nhiều bà con có nhu cầu được hướng dẫn, hỗ trợ thông tin về các chính sách, pháp luật và giải đáp thắc mắc.
“Đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của bà con”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông nói.
Theo đó, hội thảo là bước khởi đầu để tiến tới hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia tư vấn về chuyên môn sâu của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, góp phần hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống ở nước sở tại cũng như trong quá trình về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của bà con, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tăng cường triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bà con về các chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính liên quan.
Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình nêu, trong những năm qua, Quốc hội đã thông qua rất nhiều văn bản luật có nội dung liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… Cùng với đó, các chính sách về xuất nhập cảnh, trọng dụng nhân tài đã cơ bản hình thành tương đối đầy đủ trong hệ thống văn bản pháp luật, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi cư trú, hoạt động trong nước.
“Nếu có cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tháo gỡ một số vướng mắc, trong đó có các vấn đề pháp lý, sẽ góp phần giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với đất nước, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Nguyễn Phú Bình nói.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ nhu cầu hỗ trợ pháp lý trong một số lĩnh vực cụ thể; đề xuất phương thức, hình thức hỗ trợ pháp lý phù hợp với nhu cầu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các nguồn lực hiện có của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.