Nhiều vụ việc đã được lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền đối thoại, tập trung giải quyết nhưng công dân không nhất trí tiếp tục khiếu kiện với thái độ, bức xúc, gay gắt.
Ông Lê Trọng Long, Phó chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị, địa phương chưa thực sự sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Nhận thức người dân về chính sách, pháp luật còn hạn chế. Một số trường hợp mặc dù hiểu rõ quy định của pháp luật nhưng cố tình không chấp hành.
Đặc biệt, một số trường hợp dù đã được các cơ quan giải quyết đúng, trả lại quyền lợi chính đáng nhưng vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Điển hình là trường hợp bà Lê Thị Mai, trú tại tổ 15, phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình khiếu nại việc tranh chấp đất đai với một số hộ dân tổ 3, phường Tân Hòa. Mặc dù đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2273/QĐ-UBND ngày 21/9/2007 (quyết định giải quyết khiếu nại lần 2) nhưng bà Mai không đồng ý. Ngoài ra, một số địa phương khi phát sinh khiếu kiện chưa tập trung chỉ đạo giải quyết.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang chỉ đạo các cơ quan thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, không để phát sinh “điểm nóng”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 9 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài. Trước kiến nghị, phản ánh của các hộ dân xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn liên quan đến việc khai thác, kinh doanh cát sỏi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Hùng Yến và Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Sahara trên lòng sông Đà, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến người dân, đối thoại thẳng thắn và đình chỉ hoạt động đối với hai công ty này cho đến khi hoàn chỉnh phương án khai thác cát, không gây sạt lở bờ sông, tạo sự đồng thuận của người dân.
Trụ sở tiếp công dân tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 đã tiếp 145 lượt người đến nộp đơn khiếu nại và tố cáo, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp 13 đoàn đông người. 10 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh giao cơ quan Thanh tra xác minh, phối hợp giải quyết, không để đùn đẩy trách nhiệm lên trên như trước đây.
Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, tình hình khiếu nại, tố cáo tại Hòa Bình đã “hạ nhiệt”. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận, phân loại và xử lý 92 đơn khiếu nại; 39 đơn tố cáo, 271 đơn kiến nghị, phản ánh, giảm 15% đơn thư so với cùng kỳ năm 2017.
Sự phối hợp giữa ngành chức năng và các địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng hiệu quả, hạn chế sai sót trong quá trình giải quyết, qua đó hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người.
Trong 6 tháng cuối năm 2018, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại; hạn chế công dân tập trung đông người lên tỉnh và Trung ương khiếu kiện. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan chức năng xác minh, làm rõ các đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng và kiên quyết xử lý mọi hành vi sai phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho người đứng đầu các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân 2 lần/ tháng; giao Thanh tra tỉnh thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu vi phạm.