Khảo sát về chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công dẫn đầu đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nghiên cứu, khảo sát phục vụ xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Hội nghị Trung ương 7 sẽ thảo luận về cải cách tiền lương 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách tiền lương, ở nhiều khu vực, tiền lương của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, tiền lương của người lao động khu vực Nhà nước, khu vực sản xuất kinh doanh... Tương tự như vậy, chính sách bảo hiểm xã hội cũng liên quan mật thiết đến người lao động… 

Mỗi lần Chính phủ trình Đề án cải cách tiền lương để Trung ương Đảng thảo luận, vấn đề quan trọng vẫn là nguồn để cải cách tiền lương. Qua thảo luận, Trung ương thấy rằng, cải cách tiền lương không phải chỉ tạo nguồn mà phải dựa vào cả tinh thần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế… 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thông qua 2 Nghị quyết quan trọng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thảo luận cặn kẽ và thông qua một Nghị quyết về cải cách tiền lương. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khái quát lại quá trình hình thành chính sách tiền lương, từ năm 1956 - 1957 nước ta đã hình thành chế độ tiền lương áp dụng cho các xí nghiệp, nhà máy, nông trường. Năm 1960, Việt Nam đã thực hiện cải cách tiền lương áp dụng với người làm việc trong khu vực Nhà nước, công nhân viên chức, sĩ quan. Hệ thống lương quy định cụ thể theo công việc chức vụ, nhiệm vụ gắn với trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo. 

Tuy nhiên, thời kỳ này ngoài lương, Nhà nước bao cấp mạnh theo tem phiếu, thậm chí cán bộ công chức có nhà ở phân phối; tổng người hưởng lương nhà nước thời điểm này khoảng 1 triệu người. Năm 1985, Việt Nam cải cách tiền lương lần thứ 2 và tới năm năm 1993 là lần cải cách tiền lương lớn nhất từ trước tới nay. Lần này, cải cách đã mở rộng quan hệ tiền lương, cùng hệ thống thang, bảng lương. 

Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công cũng chỉ ra những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay là: Chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, quan hệ tiền lương mang tính bình quân, thấp hơn nhiều quan hệ tiền lương trên thị trường lao động, hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, mở rộng đối tượng và các loại phụ cấp tạo bất cập cho các cơ quan. 

Nguyên nhân của thực trạng này là đối tượng hưởng lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp (tính tới nay là hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách), nguồn lực ngân sách hạn chế; chậm cụ thể hóa quan điểm chi tiền lương là chi đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng công chức; chưa tạo đột phá về quản lý ngân sách; chưa quản lý tốt tiền lương; chưa khắc phục bất cập quản lý doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. 

Phó Thủ tướng cho biết các Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo sẽ tập trung làm rõ các vấn đề về tiền lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, quan hệ tiền lương tối thiểu, lương tối đa; các chế độ phụ cấp, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; tạo nguồn cải cách tiền lương. Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đặc thù riêng trong vấn đề tiền lương, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm rõ việc tính toán, thiết kế thang, bảng lương; tìm nguồn chi trả, cách quản lý và cách trả lương cho cán bộ, viên chức. Với khu vực sản xuất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm rõ về tiền lương tối thiểu vùng. 

Lấy thu để chi cho lương 

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường báo cáo khái quát tình hình thực hiện chính sách tiền lương trong hệ thống Công đoàn và tình hình thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Theo đó, hệ thống của Liên đoàn Lao động gồm cấp Trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 20 công đoàn ngành Trung ương và tương đương, cấp trên trực tiếp cơ sở có 1.157 đơn vị gồm: 710 Liên đoàn Lao động cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, 616 công đoàn giáo dục cấp huyện. 

Bên cạnh đó, 361 Công đoàn ngành địa phương (đang thực hiện giải thể các công đoàn giáo dục huyện và sắp xếp lại các công đoàn ngành, địa phương có dưới 2.000 đoàn viên); 48 Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế của 46 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; 25 công đoàn Tổng công ty và 13 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác; cấp cơ sở có 126.000 công đoàn cơ sở, với trên 1,1 triệu cán bộ công đoàn không chuyên trách. 

Ngoài ra, tổ chức công đoàn có 126 đơn vị sự nghiệp công đoàn gồm 10 đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 113 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và 3 đơn vị trực thuộc công đoàn ngành Trung ương và tương đương. Toàn hệ thống Công đoàn có 14.957 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thu nhập bình quân: 6.822.204 đồng/người/tháng. 

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ thống nhất một số nội dung như: Khi xác định vị trí việc làm, duy trì rất ít phụ cấp (chỉ còn phụ cấp khu vực, ngành nghề); tăng quyền quản lý tiền lương cho người sử dụng lao động kể cả trong khối công chức, viên chức; tiền lương tối thiểu phụ thuộc nhiều yếu tố không chỉ có mức sống tối thiểu nhưng phải hướng tới đáp ứng mức sống tối thiểu và đặt ra vấn đề có nên quy định tiền lương tối thiểu chung cho các khu vực không. 

Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phải chú ý tới đặc thù ngành, để không quản lý biên chế cào bằng, bảo đảm thu để chi cho lương; xác định nguồn trả lương phải gắn với cải cách bộ máy và tinh giản biên chế, phát triển kinh tế để thu và từ các khoản tiết kiệm. 

Về chi trả bảo hiểm xã hội, cần tuân thủ nguyên tắc bao phủ, chia sẻ rủi ro và tổ chức thực hiện chính sách này, không chi trả quá nhiều và cũng không quá “cứng”. Sau đợt khảo sát ở Tổng Liên đoàn Lao động, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công sẽ khảo sát tại các cơ quan: Toà án nhân dân tối cao và  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
 
Đỗ Bình (TTXVN)
Đề xuất đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội
Đề xuất đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội

Chiều 14/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo tại Trụ sở Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN