Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Tại Hội nghị về điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tổ chức ngày 25/7 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cần làm rõ tính khả thi các giải pháp về quy hoạch, cân đối nguồn lực; xác định các dự án ưu tiên; trong đó, có dự án hạ tầng quan trọng như vành đai 3, 4, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Cái Mép – Thị Vải, tuyến đường sắt kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển vốn đang là điểm yếu hiện nay của Vùng TP Hồ Chí Minh.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Vùng TP Hồ Chí Minh giữ vị trí trung chuyển quốc tế của cảng hàng không và cảng biển, có quy mô dân số khoảng 19 triệu người, đóng góp 41% GDP và 51% xuất khẩu của cả nước. Từ năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Vùng TP Hồ Chí Minh nhằm tạo cơ sở để huy động nguồn lực đầu tư.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện quy hoạch Vùng đã thể hiện nhiều bất cập như: cách tiếp cận Vùng thiếu năng động, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ tập trung dân cư, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lún đất cũng như chưa theo kịp xu hướng kiểm soát phát triển và tính khả thi trong thực hiện quy hoạch. Các ngành kinh tế địa phương chưa được quan tâm đúng mức, tính cạnh tranh của Vùng chưa cao.
Vì thế, theo Phó Thủ tướng, việc điều chỉnh quy hoạch Vùng TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của đất nước mà còn với các địa phương khác trong Vùng; qua đó tạo động lực để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện Đề án điều chỉnh quy hoạch Vùng TP Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đại diện các tỉnh trong Vùng, trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án theo hướng làm nổi bật tính chất đô thị hoá, vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á của Vùng; nhấn mạnh lợi thế của Vùng; trong đó có tiềm năng ven biển, cửa khẩu quan trọng về cảng biển và hàng không.
Đồng thời, nêu rõ các hạn chế phát triển của Vùng; đánh giá vị trí, chức năng của các tỉnh trong Vùng; làm rõ mối liên kết các khu công nghiệp, nông lâm nghiệp, quy hoạch ứng phó chống ngập úng; kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, trong đó có tuyến đường vành đai, xuyên tâm.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn thực hiện được quy hoạch Vùng TP Hồ Chí Minh (bao gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, quy mô diện tích khoảng 30.404 km2) cần phải đầu tư đồng bộ hạ tầng kết nối. Tuy nhiên, hiện nay chưa thực hiện được do thiếu nguồn vốn, trong đó đến năm 2030 khó thực hiện xong dự án đường vành đai 3, 4, cao tốc liên kết vùng. Vì thế Trung ương cần phân bổ nguồn vốn để phân bổ lại cho các thành viên của Vùng trên tinh thần Trung ương, địa phương và doanh nghiệp cùng làm.
“Thực hiện quy hoạch Vùng cũng cần thiết phải phát triển giao thông công cộng, giao thông thủy, phải có trung tâm tài chính. Ngoài ra, cần điều chỉnh lại quy hoạch các hướng tuyến phát triển của Vùng để phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của TP Hồ Chí Minh với tư cách là hạt nhân trung tâm theo hướng hướng Đông, Nam thay vì hướng Tây, Bắc như quy hoạch Vùng xác định”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Góp ý đề án điều chỉnh quy hoạch Vùng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần làm rõ cơ chế phối hợp, nếu không sẽ tạo xung đột, hạn chế xung lực phát triển của Vùng. Các bộ, ngành cần hỗ trợ hành lang pháp lý để thực hiện quy hoạch, đồng thời ủng hộ Vùng trong việc phân bổ tài chính, nguồn lực cũng như ưu tiên đầu tư dự án đường sắt kết nối.
Có chung quan điểm này, đại diện lãnh đạo các tỉnh thành viên của Vùng TP Hồ Chí Minh cho rằng, Trung ương cần đầu tư tuyến đường sắt kết nối; có kế hoạch sử dụng đất hợp lý; xem xét lại việc điều chỉnh giảm diện tích một số khu công nghiệp trên địa bàn; đồng thời, đầu tư mở rộng các tuyến đường thuỷ nội địa và các tuyến cao tốc kết nối.