Mượn xe chính chủ không bị phạt
Dư luận những ngày qua đang xôn xao trước thông tin, từ 1/1/2017, đi xe máy không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt với mức phạt lên tới 400.000 đồng. Đây là vấn đề được người dân hết sức quan tâm bởi xe máy là phương tiện lưu thông chủ yếu hàng ngày và rất nhiều trường hợp tham gia giao thông là “không chính chủ”.
Cảnh sát giao thông chỉ phạt chủ xe đã chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế... không sang tên đổi chủ theo quy định. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Anh Hoàng Văn Bửu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, xe máy mà anh thường xuyên sử dụng đang mang tên vợ. Trước đây, dù đã kết hôn nhưng để thuận tiện khi đăng ký xe anh chỉ đề tên vợ. “Tài sản sở hữu chung của vợ chồng nhưng đứng tên một người, người kia sử dụng không biết có bị phạt không”, anh Bửu băn khoăn.
Cùng chung nỗi lo, ông Nguyễn Đức Hiền (Nhân Chính, Hà Nội) thi thoảng mượn xe của con trai để gặp gỡ bạn bè cũng tỏ ra ái ngại: “Lấy xe của con đi tạm thì lấy đâu ra "chính chủ", chả lẽ bị phạt lại gọi con ra để chứng minh với cảnh sát giao thông đây chỉ là xe đi mượn?”
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, TS Đỗ Đức Hồng Hà, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp cho biết, theo điều 30 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Như vậy, quy định này áp dụng đối tượng là chủ phương tiện khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, chứ không phải là “người điều khiển phương tiện”.
Giải đáp thắc mắc về việc bạn bè mượn xe của nhau, vợ chồng đi xe của nhau, con cái lấy xe cha, mẹ để tham gia giao thông, TS Đỗ Đức Hồng Hà khẳng định, những trường hợp này không vi phạm lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe” theo Điều 30 của Nghị định 46.
Đơn giản hoá thủ tục
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phân biệt được người đang đi xe mượn hay đi xe không sang tên không hề đơn giản. Để cảnh sát giao thông không ra quyết định xử phạt, người sử dụng phương tiện chỉ có cách là phải chứng minh được mình là người thân hay bạn bè của người sở hữu phương tiện bằng giấy ủy quyền, giấy mượn xe giữa 2 bên và phải có công chứng xác nhận của chính quyền địa phương. Thủ tục để được đi xe máy trở nên phức tạp, rối rắm, từ đó dễ nảy sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt đối với hành vi này chỉ là biện pháp nhất thời, chứ chưa giải quyết được “cái gốc” của vấn đề là đảm bảo cho mọi người dân phải thực hiện đúng việc sang tên, đổi chủ khi mua, bán, tặng, cho xe… Trên thực tế, thủ tục về đăng ký, sang tên xe đã được quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an. Theo đó, điều 24 của Thông tư này quy định cụ thể về trường hợp giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người.
Tuy nhiên, hiện nay việc đăng ký xe vẫn phải có xác nhận của công an nơi thường trú nên thủ tục vẫn khá phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí. Nhiều ý kiến cho rằng để khuyến khích người dân đăng ký quyền sở hữu, sang tên xe thì các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, có quy định phù hợp hơn. Chẳng hạn bỏ thủ tục xác nhận ở cơ quan công an cấp xã nơi thường trú, mà chỉ cần tự cam kết hoặc chứng minh bằng văn bản, giấy tờ khác. Ngoài ra, người tạm trú dài hạn ở tỉnh, thành phố cũng được giải quyết đăng ký, sang tên xe trong phạm vi tỉnh, thành phố đó…