Đây là vấn đề được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại buổi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 1/6.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát mô hình Phòng khám gia đình - Trung tâm y tế phường 11, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, để làm được điều đó, mô hình hợp tác công - tư sẽ phát huy hiệu quả. Phó Thủ tướng hoan nghênh thành phố triển khai thí điểm đầu tiên mô hình xã hội hóa Trạm Y tế. Trên cơ sở khai thác nguồn lực sẵn có của các Trạm Y tế, thành phố tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu, tạo niềm tin với người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý thành phố cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm từ việc thí điểm mô hình này để định hình được mô hình đầu tư trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời kêu gọi nhà đầu tư hướng tới mô hình không vì lợi nhuận, tái đầu tư tiếp tục phát triển hệ thống.
Cụ thể, việc xã hội hóa cần đảm bảo thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ cũng như đối tượng phục vụ của y tế cơ sở, bao gồm đối tượng khám bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, người nghèo… bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe và tạo sự an tâm cho người dân khi khám chữa bệnh tại Trạm Y tế.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra với ngành y tế thành phố là làm sao tuyến y tế cơ sở phải lập được hồ sơ, quản lý và theo dõi sức khỏe của toàn bộ người dân trên địa bàn, từ đó chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
Về thực trạng y tế cơ sở, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 319 Trạm Y tế phường, xã, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Vì vậy, thành phố triển khai dự án xã hội hóa Trạm Y tế phường, xã, trong đó đơn vị thí điểm đầu tiên là Trạm Y tế phường 11, quận 3.
Theo đó, Trạm Y tế vẫn giữ nguyên các chức năng, nhiệm vụ theo quy định như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khám chữa bệnh cho gia đình thuộc diện chính sách. Bên cạnh đó, đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc, tăng cường nhân lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân từ khâu dự phòng, khám, điều trị, góp phần giảm tải các bệnh viện tuyến trên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ các y, bác sĩ, nhà đầu tư Phòng khám gia đình - Trung tâm y tế phường 11, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng y tế cơ sở, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành y tế, để thay đổi nhận thức, tâm lý người dân trong việc tham gia khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tải bệnh việc tuyến trên. Hiện cả nước có khoảng 12.000 Trạm Y tế phường, xã, tuy nhiên các trạm y tế này hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy hết vai trò và công năng của mình. Bởi thực tế người dân không có niềm tin, thường bỏ qua tuyến y tế cơ sở để lên thẳng tuyến trên khi có nhu cầu khám chữa bệnh.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế, có tới 50% số Trạm Y tế trong cả nước cần được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ. Tuy nhiên, việc xã hội hóa Trạm Y tế khó thu hút được nhà đầu tư do lợi nhuận thấp. Ngành Y tế rất ủng hộ mô hình xã hội hóa đang được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm đầu tiên trong cả nước.
Chia sẻ về định hướng đầu tư dự án xã hội hóa Trạm Y tế phường 11, quận 3, ông Phan Quốc Việt, đại diện Công ty cổ phần Y tế Việt Anh cho biết, tham gia dự án này, đơn vị hướng tới đầu tư theo mô hình không vì lợi nhuận, tái đầu tư để tiếp tục phát triển hệ thống trên địa bàn. Hiện tại, mô hình này đang hoạt động với hai khoản thu gồm dịch vụ và bảo hiểm y tế, đồng thời đảm bảo các chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế theo quy định. Từ việc thí điểm mô hình này, đơn vị mong muốn tiếp tục nhân rộng tại các Trạm Y tế khác trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân từ tuyến y tế cơ sở.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến thăm và làm việc với Trạm Y tế phường 16, quận 4 và Trạm Y tế phường 11, quận 3.