Theo quy định, hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: tiền mặt (tiền đồng Việt Nam), giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.
Nghị định này cũng quy định lực lượng vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Bộ Công an có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan quản lý hàng đặc biệt ở Trung ương yêu cầu; đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan quản lý hàng đặc biệt ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu.
Nghị định nêu rõ, công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc: tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo vệ tuyệt đối an toàn hàng đặc biệt; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tuyệt đối bí mật kế hoạch, quá trình vận chuyển và các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm hàng đặc biệt hoặc cản trở quá trình vận chuyển; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với cơ quan quản lý hàng đặc biệt và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; gắn công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên các tuyến vận chuyển.
Theo quy định, phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt bằng xe chuyên dùng trên đường bộ hoặc phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nghị định nêu rõ, việc bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ hàng đặc biệt phải bảo đảm ít nhất hai cán bộ, chiến sĩ cảnh sát thường xuyên làm nhiệm vụ trên mỗi xe chở hàng, xe hộ tống, toa xe đường sắt hoặc trên mỗi phương tiện vận tải đường thủy nội địa, đường hàng không. Đối với các chuyến vận chuyển nhiều ngày trên phương tiện đường sắt thì việc bố trí cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thực hiện theo các ca làm nhiệm vụ và phải bảo đảm thời gian làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.