Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang báo cáo nhanh kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và một số nét nổi bật về kinh tế - xã hội năm 2022 của đất nước, tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp, các cử tri bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được, đồng thời kiến nghị về việc giá cả tăng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, vấn đề thực hiện bảo hiểm y tế học sinh còn nhiều bất cập...
Cử tri Đoàn Văn Lựa (thị trấn Cái Dầu) cho rằng, việc thực hiện mua bảo hiểm y tế bắt buộc cho học sinh và mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hiện nay còn nhiều vướng mắc, không sát điều kiện thực tế đời sống, thiếu sự phối hợp, hướng dẫn, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan, gây thiệt thòi cho người dân.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông đi qua địa bàn huyện nói chung và An Giang nói riêng chưa đáp ứng đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu đi lại của người dân. Do đó cần đầu tư mở rộng tuyến đường giao thông kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư cho địa phương.
Cử tri đề nghị cần có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ dân phố, cán bộ công tác tại hội đoàn thể, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp…
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và trên từng góc độ công việc sẽ có kiến nghị ở diễn đàn phù hợp.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả huyện Châu Phú đạt được thời gian qua. Phó Chủ tịch nước cho rằng, mặc dù Châu Phú không phải là địa phương thuận lợi trong thu hút đầu tư so với mặt bằng chung của tỉnh nhưng với cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo địa phương cũng như sự đồng lòng của nhân dân đã biến Châu Phú thành địa chỉ thu hút đầu tư…
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, kỳ họp hội lần này, Quốc hội đã đưa ra những quyết sách quan trọng, bàn nhiều chủ trương, thông qua một số luật. Điều này tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang và huyện Châu Phú nói riêng phát triển nhanh hơn.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen như hiện nay, chúng ta cần chuẩn bị các kịch bản, dự báo, phương pháp để thay đổi theo sự phát triển chung của thế giới.
Trao đổi thêm với lãnh đạo tỉnh An Giang, huyện Châu Phú và nhân dân, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, qua đợt dịch COVID-19, chúng ta thấy rõ nhiều sự chuyển đổi của thế giới, sinh hoạt, đời sống, việc làm, sản xuất… Cùng với đó, hiện nay, chúng ta đang đối diện với biến đổi khí hậu và một số xu thế mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4… làm cho sự chuyển đổi của thế giới trở nên rất nhanh. Nếu chúng ta không thay đổi, không chuyển đổi sẽ bị "tụt hậu", không theo kịp sự phát triển chung của thế giới. Thậm chí, sự thích ứng đó sẽ là thách thức đối với đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân…
Với lợi thế của một tỉnh nông nghiệp, huyện đặc thù nông nghiệp, nông thôn như Châu Phú, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân kỳ vọng tỉnh An Giang, huyện Châu Phú và nhân dân sẽ chủ động chuyển đổi, thích ứng với điều kiện mới để có thể nắm bắt được thời cơ, tạo ra động lực phát triển ngành nông nghiệp địa phương. Qua đó vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân lưu ý, lãnh đạo tỉnh An Giang, huyện Châu Phú cần thực hiện từng bước, theo lộ trình, đảm bảo vững chắc, tăng cơ cấu dịch vụ, công nghiệp, tăng hàm lượng, giá trị của sản phẩm nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư, tạo việc làm tại chỗ cho người dân…