Từ ngày 1/7/2022 tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động
Theo Nghị định số /2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, về mức lương tối thiểu tháng, các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng:
Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.0.000 đồng/tháng.
Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.
Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.
Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh
Tại Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh thực hiện lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Ngày 16/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 721/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó, đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cụ thể, với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở, bổ sung hình thức thực hiện thủ tục này theo phương thức điện tử tùy thuộc điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý tại địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông điện tử giữa các cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường, kho bạc, Bộ phận Một cửa, ngân hàng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Sớm triển khai 2 dự án cao tốc nối Cao Bằng, Lạng Sơn với mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia
Thông báo kết luận số 172/TB-VPCP ngày 13/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nêu rõ: Việc triển khai đầu tư, sớm hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có ý nghĩa rất quan trọng, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc kết nối hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn với mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, đồng thời kết hợp với tuyến từ Lạng Sơn đi Tiên Yên - Quảng Ninh sẽ tạo ra trục giao thông kết nối trực tiếp Cao Bằng, Lạng Sơn ra biển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo hành lang phát triển kinh tế - xã hội, là không gian, động lực phát triển mới cho khu vực miền núi Đông Bắc.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh các Dự án nêu trên theo quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2022; chủ động hướng dẫn các tỉnh triển khai nhanh nhất các thủ tục hành chính để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất từ 10-11%/năm
Theo Quyết định số 726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Chiến lược phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.
Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao; nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%; phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9-11%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, giai đoạn 2030 - 2040 tăng trưởng bình quân 7,5 - 9%/năm.
Tuyên truyền phản bác các luận điệu sai trái về chủ quyền biển đảo
Theo Quyết định số 729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030, thông tin, kiến thức về biển và đại dương được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương; học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản; đại bộ phận người dân có hiểu biết về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, qua đó, động viên nhân dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ biển và đại dương.
Chương trình cũng nhận diện và tuyên truyền phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động về chủ quyền biển, đảo. Kịp thời phản ánh, phê phán, kiến nghị xử lý những quan điểm, hoạt động, hành vi trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, cũng như luật pháp quốc tế về biển; hoạt động khai thác trái phép tài nguyên biển và vi phạm chủ quyền biển quốc gia.