"Tết sum vầy" là sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được tổ chức nhằm chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, góp phần mang lại không khí vui tươi, lành mạnh, đầm ấm của mùa Xuân đến với các hộ gia đình khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, tỉnh tổ chức thăm và tặng quà trên 23.500 người có công với cách mạng, số tiền trên 7 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng kinh phí tặng quà hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dự kiến trên 7,5 tỷ đồng, với trên 26.000 phần quà, trong đó có khoảng 450 triệu đồng từ ngân sách, còn lại là nguồn vận động xã hội hóa.
Ngoài ra, các hội xã hội, từ thiện trên địa bàn cũng xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực tặng quà Tết cho các đối tượng, tiêu biểu như Hội Chữ thập đỏ có kế hoạch vận động các nhà hảo tâm thăm hỏi hỗ trợ 20.000 phần quà cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai... tổng trị giá 6 tỷ đồng.
Theo ông Lữ Quang Ngời, tính đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn không có doanh nghiệp nợ lương người lao động. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch chi lương, thưởng Tết và tặng quà Tết cho công nhân lao động. Riêng trong khu công nghiệp, số tiền thưởng Tết dự kiến trên 220 tỷ đồng (cao nhất gần 19 triệu đồng, thấp nhất 3,5 triệu đồng, bình quân 8,2 triệu đồng), quà Tết trên 9 tỷ đồng và hỗ trợ tiền tàu xe cho công nhân về quê ăn Tết trên 8,5 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc tiếp nhận, phân bổ quà Tết đến đúng đối tượng; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo xuyên suốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, bình ổn giá cả, ổn định thị trường hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... để người dân được hưởng một mùa xuân vui tươi trọn vẹn.
Đánh giá cao kết quả mà tỉnh Vĩnh Long đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi tỉnh khu vực ĐBSCL phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội. Tỉnh đã đặc biệt quan tâm, chú trọng lo Tết cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần không để người dân, người công nhân nào không có Tết. Đây là việc làm cần thiết, sát dân, sát cơ sở.
Thủ tướng cũng biểu dương tỉnh Vĩnh Long cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, tranh tre dột nát cho các gia đình chính sách.
Thủ tướng mong muốn, công nhân, người lao động tiếp tục cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, rèn luyện thể chất để nâng cao năng suất lao động. Thủ tướng yêu cầu tỉnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam hợp tác, dành nguồn lực để lo thiết chế công đoàn cho công nhân lao động ở khu công nghiệp, nhà máy lớn như nhà trẻ, mẫu giáo, căng-tin, nhà ở cho công nhân. Chủ doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nguồn lực để phát triển doanh nghiệp.
Với các gia đình chính sách, Thủ tướng mong muốn bà con tiếp tục nêu gương ở khu phố, làng xóm, phát huy truyền thống gia đình. Với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cần tự lực, vươn lên mạnh mẽ.
Nhân dịp này, Thủ tướng trao tặng 100 ngôi nhà cho người nghèo tỉnh Vĩnh Long.
Trong sáng 14/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo kiệt xuất, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.
Thủ tướng cũng đã tới dâng hương tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.