Tính đến ngày 15/11, đã có 288 giấy phép G1 đã được cấp, trong đó có 184 giấy phép G1 còn hiệu lực, 104 giấy phép G1 đã bị thu hồi. Đồng thời, có 169 trò chơi được cấp quyết định G1 (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023). Tính đến ngày 15/11 có 1.7 trò chơi được cấp quyết định G1, trong đó có 1.125 trò chơi đang phát hành, 562 trò chơi đã dừng phát hành. Ngoải ra, 30 Giấy chứng nhận G2, G3, G4 đã được cấp, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.
192 giấy chứng nhận G2, G3, G4 đã được cấp; 3132 trò chơi được cấp Giấy xác nhận G2, G3, G4 (tăng 114% so với cùng kỳ năm 2023). 16.331 trò chơi được cấp Giấy xác nhận G2, G3, G4, trong đó có 15.321 trò chơi đang phát hành, 1.011 trò chơi đã dừng phát hành. Ước tính năm 2024 doanh thu ngành game đạt khoảng 12,500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023, đạt 12,552 tỷ đồng. Số lượng lao động ngành game ước khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023 (khoảng 3.142 lao động).
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, phát hành game trong nước đã đoàn kết, liên minh, hỗ trợ nhau để thúc đẩy phát triển ngành game nước nhà lớn mạnh; cùng đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng Chiến lược quản lý và phát triển ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030; tổ chức thành công triển lãm Game quốc tế - Vietnam Gameverse 2024 lần thứ 2 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện đã thu hút hơn 40.000 người tham dự với hơn 60 tổ chức, doanh nghiệp tham gia, có sự tham gia của các công ty công nghệ lớn của nước ngoài như: Google, Meta (Facebook), TikTok, Roblox (Hoa Kỳ), Moonton (Trung Quốc), Netmarble (Hàn Quốc), Xsola (Hoa Kỳ)…
Bên cạnh đó, đã có nhiều hội thảo, toạ đàm để kết nối các nhà sản xuất và phát hành game trong và ngoài nước; đưa các giải thi đấu thể thao điện tử quốc tế về tổ chức tại Việt Nam; triển khai các hoạt động hỗ trợ, ươm mầm tài năng cho các start-up, các bạn sinh viên ngành game và công nghệ…; xây dựng Trung tâm đào tạo VTC Game Academy với sự kết hợp giữa Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Trường Cao đẳng Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp lớn về công nghệ trên thế giới như Google, Microsoft... Lần đầu tiên Chương trình đào tạo “Thiết kế và phát triển game” trong ngành “Truyền thông Đa phương tiện” đã được Học viện Bưu chính viễn thông triển khai và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024.
Bên cạnh việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành game, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai một số giải pháp nhằm quản lý tốt ngành game, để hạn chế những tác hại tiêu cực do game mang lại. Cụ thể, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền; triển khai các giải pháp để phòng ngừa các đối tượng phạm tội lợi dụng để thực hiện hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc.
Phối hợp với các đơn vị chức năng, rà quét, ngăn chặn 667 Fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng (tỷ lệ đạt 95%) trên nền tảng Facebook; ngăn chặn xử lý hơn 5.300 tên miền liên quan đến hoạt động quảng cáo, tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng; Rà quét, phát hiện hơn 600 game không phép, cờ bạc trên các chợ ứng dụng nước ngoài, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không kết nối thanh toán. Apple đã gỡ 90 game, Google đã gỡ 294 game không phép, game cờ bạc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo đó, Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương đã rà soát, chấn chỉnh với 45 tổ chức, cá nhân, trong đó, xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền phạt là 535 triệu đồng với các hành vi: thay đổi địa chỉ đặt máy chủ cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 nhưng thông báo không đúng thời hạn; ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 nhưng không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 khi không có quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1; không đáp ứng điều kiện kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1…, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc dừng hoạt động trong vòng 1,5 tháng đối với 1 trường hợp; dừng phát hành game G1 trong 2 tháng đối với 1 trường hợp... Nhờ đó, tình trạng game lậu, game cờ bạc, game vi phạm pháp luật đã cơ bản được chấn chỉnh, xử lý, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Tuy nhiên, hoạt động của lĩnh vực này vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Tỷ lệ trò chơi được cấp phép phát hành có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn (Việt Nam chỉ chiếm 14%, trong khi đó Trung Quốc chiếm 81% và các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… chiếm 5%).
Việc tranh chấp, khiếu nại về bản quyền, hình ảnh, nội dung game còn thường xuyên xảy ra. Các công ty game Việt Nam chủ yếu chỉ đóng vai trò là những nhà phát hành game hơn là nhà sản xuất trong khi năng lực sản xuất, tiềm năng phát triển game tại Việt Nam là rất lớn nên tỷ trọng đóng góp cho ngành game đang không tương xứng với doanh thu. Một số doanh nghiệp chưa chấp hành quy định trong việc quản lý thông tin người chơi; không thực hiện hoặc thực hiện chậm các thủ tục sửa đổi, bổ sung hoặc thông báo khi thay đổi các thông tin trong giấy phép/giấy chứng nhận; không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định…
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ để vừa là để quản lý tốt lĩnh vực, vừa là để thúc đẩy ngành phát triển. Cụ thể phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực thông tin điện tử phát triển; Xây dựng và ban hành mã ngành, mã nghề, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng, tập trung vào lĩnh vực thiết kế, lập trình, đồ họa, quản trị cho dự án game; duy trì, tổ chức Ngày hội Gameverse lần thứ 3 với quy mô lớn trong khu vực, thu hút sự quan tâm, tham gia của các Công ty, tập đoàn hàng đầu về công nghệ, game trong khu vực và thế giới...