Tiết kiệm 8.000 tỷ đồng/năm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau một năm triển khai, đến ngày 29/12/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 417 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 100,5 triệu lượt truy cập; hơn 27,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái lên cổng. Hơn 744,8 nghìn hồ sơ đã thực hiện trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (cao điểm 1 ngày nhận 12.000 hồ sơ), tiếp nhận, xử lý hơn 9,7 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 44,8 nghìn cuộc gọi tới Tổng đài. Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 14 bộ, ngành và 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã có hơn 48 nghìn lượt giao dịch thành công.
Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 2.700 dịch vụ (1439 cho người dân, 1488 cho doanh nghiệp), đạt 39% và vượt 9% so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-Chính phủ ngày 01/01/2020.
Tại Hội nghị, Văn phòng Chính phủ công bố 4 dịch vụ công, gồm dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu. Như vậy, đến nay, 2.700 thủ tục hành chính đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Việc tích hợp, cung cấp 4 dịch vụ công này có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm, nâng tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ khi khai trương đến nay là khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.
Theo Văn phòng Chính phủ, trước đây, để thực hiện nộp thuế, lệ phí trước bạ trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, người dân phải thực hiện 3 bước: nhận thông báo thuế tại Bộ phận Một cửa, nộp tiền tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước, đến bộ phận một cửa để nộp lại chứng từ để cơ quan đất đai tiếp tục thẩm định, cấp sổ đỏ.
Hiện nay, việc thực hiện trực tuyến cho phép người dân chỉ cần ngồi tại nhà để thực hiện được tất cả các bước trên, giúp tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công với 4 lần đi lại. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, với trung bình mỗi năm có khoảng hơn 4 triệu trường hợp thực hiện, nếu chỉ 50% trong số này thực hiện thanh toán trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm được ít nhất là 2 tỷ đồng/năm. Dịch vụ này đã cung cấp tại 4 địa phương (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Tây Ninh) và sẽ mở rộng triển khai toàn quốc vào quý I/2021.
Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng mở rộng phạm vi triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp đăng ký, biển số xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trên toàn quốc (trước mới thực hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và mở rộng việc thực hiện trên toàn quốc với đối tượng xe nhập khẩu. Người dân, doanh nghiệp có thể ở bất cứ đâu để thực hiện khai, nộp lệ phí trước bạ; chỉ cần đến cơ quan Công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Riêng đối với xe nhập khẩu, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu từ Hải quan đến Cơ quan đăng ký xe còn giúp bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe. So với trước đây, đối với tất cả các xe, người dân có thể tiết kiệm ít nhất được 0,5 ngày công và 2 lượt đi lại để làm thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời, tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công và 2 lượt đi lại để làm thủ tục cấp đăng ký, biển số xe.
Theo số liệu tổng hợp của Cảnh sát Giao thông, trung bình cả nước mỗi năm có khoảng 4,8 triệu trường hợp đăng ký xe, trong đó xe sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 4,2 triệu (ô tô 500 nghìn, xe máy 3,7 triệu) và xe nhập khẩu khoảng 600 nghìn xe. Theo đó, với việc mở rộng đối tượng, phạm vi thực hiện, chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công này ước tính tối thiểu khoảng 558,5 tỷ đồng/năm.
Minh bạch hóa, công khai hóa
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia.
“Chúng ta đã vượt hầu hết các chỉ tiêu và kỳ vọng ban đầu về số lượng thủ tục và số lượng hồ sơ đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia”, Phó Thủ tướng nói, khi đề cập đến con số mục tiêu đặt ra là tích hợp được 30% thủ tục hành chính lên Cổng và đến nay đã vượt qua con số này.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ xác định những gì cần đột phá, cấp cao nhất phải gương mẫu làm trước. Chính vì vậy, từ mấy năm trở lại đây, Văn phòng Chính phủ luôn là cơ quan được giao nhiệm vụ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, từ việc xử lý hồ sơ trên mạng, tới nay là việc tổ chức cung cấp dịch vụ công, tích hợp dịch vụ công trực tuyến. Mục đích đặt ra không chỉ là tiết kiệm về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, mà sâu xa hơn nữa là Chính phủ thực hiện minh bạch hóa, công khai hóa toàn bộ hoạt động của mình trên điện tử và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân xây dựng một Chính phủ thực sự là Chính phủ điện tử.
Nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến tốt, tránh được tiếp xúc trực tiếp, sẽ tạo ra cơ hội được thụ hưởng các dịch vụ một cách bình đẳng của tất cả doanh nghiệp, người dân, qua đó, hạn chế được các điều kiện để phát sinh tiêu cực. Đây cũng là chỉ số rất quan trọng để cộng đồng quốc tế đánh giá về năng lực cạnh tranh quốc gia, trực tiếp nhất là môi trường kinh doanh, đồng thời cũng là trụ cột quan trọng trong việc đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử.
Đặt vấn đề “chúng ta có dám phấn đấu đưa 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu chúng ta làm đồng loạt các dịch vụ công, làm tốt, sẽ tạo được không khí thi đua, động lực trong nội bộ từng cơ quan, từng cấp chính quyền. Mọi bộ phận, mọi công chức, viên chức phải vào cuộc để cải cách hành chính, sẽ tạo khí thế mới trong cơ quan đơn vị.
“Tôi rất mong chúng ta mạnh dạn đặt ra quyết tâm. Hôm nay, Văn phòng Chính phủ công bố dịch vụ công thứ 2.700 không có nghĩa mãi mãi là 2.700 dịch vụ công. Sau này, tùy theo điều kiện phát triển, các dịch vụ công có thể được tích hợp vào nhau, số lượng giảm đi và cách cung cấp dịch vụ công cũng khác đi và đơn giản hơn. Đây là quá trình liên tục, ban đầu, chúng ta làm độc lập, sau đó tập trung hoàn thiện những dịch vụ công có nhiều hồ sơ phát sinh để hoàn thiện quy trình”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, nhiều bộ, ngành, địa phương, nhiều cấp, việc xử lý hồ sơ công việc trên máy chưa được thực hiện, nhiều nơi vẫn chỉ dừng lại ở mức theo dõi hồ sơ mà chưa xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Thậm chí, ngay ở Trung ương, nhiều cơ quan không chỉ trong giao dịch với người dân mà ngay giữa các cơ quan nhà nước với nhau vẫn còn chữ ký tươi. Phó Thủ tướng cho rằng, đặt ra quyết tâm trên sẽ tạo xung lực để thông suốt việc tin học hóa, toàn bộ hồ sơ công việc của các cơ quan đều xử lý qua môi trường mạng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến việc thúc đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước. Không chỉ cơ sở dữ liệu quan trọng của nhà nước mà Chính phủ đã phê duyệt, mà tất cả mọi việc của cơ quan nhà nước đều phải hợp thức hóa và hình thành cơ sở dữ liệu. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn các nền tảng, công cụ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là đẩy nhanh tiến trình làm thí điểm thanh toán qua smart phone, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, giữa các cơ quan nhà nước, mà còn là công cụ hữu hiệu để chống COVID-19.
“Muốn dịch vụ công được nhiều người dân dùng, Nhà nước ngoài cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công, còn phải làm biện pháp để cho người dân ngày càng quen hơn với môi trường điện tử trong tất cả mọi mặt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.