Để hoàn thành dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016, Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/03/2017 về ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Hoạt động thu mua hải sản tại cảng cá Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Trên cơ sở báo cáo của UBND 4 tỉnh, kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về báo cáo số liệu hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác theo Thông báo số 506/TB-VPCP, ý kiến thống nhất của lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế và Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý hỗ trợ chủ cơ sở có hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với sản phẩm sứa, hỗ trợ 100% giá trị lô hàng; đối với hàng hải sản tồn đọng khác, hỗ trợ 30% giá trị lô hàng.
Khối lượng hàng hải sản tồn đọng của 4 tỉnh tối đa là 5.453,8 tấn với tổng kinh phí tối đa là 242,6 tỷ đồng.
Cụ thể như sau: Tỉnh Hà Tĩnh 2.708,6 tấn, kinh phí hỗ trợ 150,2 tỷ đồng; tỉnh Quảng Bình 1.101,1 tấn, kinh phí hỗ trợ 48,5 tỷ đồng; tỉnh Quảng Trị 1.501,0 tấn, kinh phí hỗ trợ 42,7 tỷ đồng; tỉnh Thừa Thiên - Huế 143,1 tấn, kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng.
Hàng hải sản tồn đọng được hỗ trợ phải được kiểm tra và xác nhận là có thật trong kho đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền kiểm kê kho hàng (có biên bản kiểm kê của cơ quan có thẩm quyền); có hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chứng xác thực khác chứng minh được thu mua trên địa bàn trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, không tiêu thụ được, hoặc trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hay bằng chứng chứng minh nêu trên thì phải có xác nhận của đại diện cộng đồng dân cư khu vực (lưu ý đại diện cộng đồng dân cư khu vực ít nhất phải gồm có đại diện các thành phần: Mặt trận Tổ quốc, Chi bộ, Tổ dân phố, các đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh...) để làm căn cứ hỗ trợ.
Đối với các đối tượng tồn đọng khác: Tổng mức kinh phí hỗ trợ tối đa là 341,3 tỷ đồng, cụ thể: tỉnh Hà Tĩnh 121,8 tỷ đồng (hỗ trợ 4.244 lao động vùng cửa sông, ven cửa sông, 2.954 chủ và người lao động tại các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá); tỉnh Quảng Bình 214,4 tỷ đồng (hỗ trợ 15.022 lao động thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản; dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua tạm trữ thủy sản; người lao động thường xuyên thuộc địa bàn các xã/phường/thị trấn ven cửa sông); tỉnh Quảng Trị 0,32 tỷ đồng (hỗ trợ Trung tâm giống thủy sản bị thiệt hại 3,6 triệu con giống); tỉnh Thừa Thiên - Huế 4,73 tỷ đồng (lưu ý không hỗ trợ đối tượng là chủ và người lao động trong các cửa hàng ăn uống ở trong các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển và bán quán, dịch vụ khách du lịch ven quốc lộ 1 ở thị trấn Lăng Cô).
Định mức hỗ trợ: Áp dụng định mức chi trả, hỗ trợ các đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 và Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND 4 tỉnh thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 506/TB-VPCP ngày 30/10/2017, bảo đảm xử lý chặt chẽ, không có khiếu kiện, khiếu nại. Trường hợp tỉnh nào phát sinh thêm số lượng, tỉnh đó có trách nhiệm thu xếp kinh phí của tỉnh chi trả.
Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hỗ trợ theo đúng nội dung quy định, quyết định chi trả tiền hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định, đúng tiêu chí, đúng đối tượng, đảm bảo công tác chi trả phải công khai, minh bạch; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 408/TB-VPCP ngày 1/9/2017 về việc chuyển kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá đã được giao tại Quyết định số 12/QĐ-TTg sang thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá (tập trung vào cảng cá, bến cá), đồng ý phân bổ cho mỗi địa phương 400 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND 4 tỉnh chủ động đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương, đảm bảo hiệu quả gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp, cân đối trên cơ sở đảm bảo phù hợp với phương án phân bổ kinh phí đã được phê duyệt và nhu cầu của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.