Để làm rõ nội dung này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh.
Thưa ông, xin ông chia sẻ về những kết quả đã được trong thời gian qua của ngành BHXH TP Hồ Chí Minh?
Trong thời gian qua, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại thành phố.
BHXH Thành phố đã chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn phù hợp với pháp luật và tình hình thực tiễn.
Ngoài ra, BHXH Thành phố đã ký kết Quy chế và thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp với các Sở, ngành, tổ chức Hội, Đoàn thể, cơ quan truyền thông để thực hiện công tác truyền thông và tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.
Tính đến hết quý III/2023, BHXH TP Hồ Chí Minh đang quản lý 2,5 triệu lao động đóng BHXH, trong đó có 300.000 lao động đóng BHTN; giải quyết BHXH 1 lần cho 85.700 người, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng năm 2023, BHXH Thành phố cũng xử phạt vi phạm hơn 8 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Song song đó, ngành BHXH cũng đã tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính, các chế độ chính sách cho người dân và đơn vị; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để chăm lo an sinh xã hội tốt hơn cho người dân, vừa tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, vừa phòng chống trục lợi chính sách, tiêu cực, thất thoát, lãng phí thông qua các phần mềm ứng dụng, kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành.
Mặt khác, ngành BHXH cũng cập nhật bổ sung số ĐDCN/CCCD của người tham gia trong cơ sở dữ liệu và cài đặt sử dụng ứng dụng VssID (hiện có 4,4 triệu tài khoản đăng ký, sử dụng ứng dụng VssID); thực hiện khám chữa bệnh bằng ứng dụng VssID, thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNEID…
Thưa ông, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành BHXH còn phải đối mặt với những khó khăn nào?
Trong năm 2023, kinh tế thành phố đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, da giày, chế biến gỗ, bất động sản... gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động.
Tình trạng trốn đóng, nợ đọng còn xảy ra nhiều tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ bảo vệ... Thậm chí, nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp cố tình né tránh tiếp đoàn thanh tra với mọi phương thức như người đại diện theo pháp luật đi công tác xa, không có giấy ủy quyền hoặc ủy quyền không hợp lệ; đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, đã chuyển nơi khác không liên hệ được; không hoạt động theo địa chỉ trụ sở theo giấy phép đã đăng ký, không thực hiện chuyển đổi giấy phép theo địa điểm hoạt động khi có thay đổi… không có biện pháp xử lý, quy định xử lý hữu hiệu.
Cùng với đó, các chính sách về BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ của Nhà nước chưa thu hút được nhiều người dân tham gia. Nhận thức về chính sách, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện của người dân còn hạn chế, chủ yếu thấy lợi ích ngắn hạn trước mắt, chưa nhìn thấy lợi ích lâu dài và lợi ích an sinh xã hội. Ngoài ra, khối lượng hồ sơ quá lớn mà nguồn nhân lực làm công tác thu - sổ thẻ ngày càng thiếu do số lượng viên chức nghỉ việc nhiều trong khi không có biên chế mới bổ sung nên không có lực lượng để đi kiểm tra, đối chiếu thanh tra đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu vi phạm theo kế hoạch đề ra.
Tính đến nay, BHXH TP Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả nổi bật nào trong thực hiện các chỉ tiêu của Đề án 06 của Chính phủ, thưa ông?
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Để án 06) có ý nghĩa quan trọng, tạo đột phá trong thực hiện chuyển đổi số để mang lại nhiều tiện ích, dịch vụ thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Cùng với cả hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam nói chung và BHXH TP Hồ Chí Minh nói riêng đã nỗ lực, tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao cũng như các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về Đề án 06. Đồng thời, ngành BHXH Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số đến các cán bộ, viên chức trực thuộc cơ quan BHXH và các đơn vị sử dụng lao động, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.
Tính đến tháng 10/2023, BHXH TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ mã định danh cá nhân, CCCD của 7.324.696 trên tổng số 7.927.173 người tham gia, đạt 92,4% so với đầu năm 2023; đồng thời, triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh tại 397/398 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Không chỉ thế, BHXH TP Hồ Chí Minh còn tổ chức triển khai thí điểm tiện ích đặt lịch làm việc với cơ quan BHXH tại bộ phận một cửa của BHXH TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những tiện ích được ngành BHXH Việt Nam triển khai theo Đề án 06. Tính đến tháng 10, đơn vị đã nhận 70.949 lượt người đặt lịch, trong đó tiếp đón thành công là 48.670 lượt, từ chối và thất bại là 9.694 lượt.
Thưa ông, căn cứ vào những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023, sắp tới ngành BHXH TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai những giải pháp gì?
Để hoàn thành các chỉ tiêu được giao, những tháng cuối năm, BHXH TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường rà soát khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp; tập trung kiểm tra, đối chiếu và thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN; xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Thành phố và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng số cuộc thanh tra, kiểm tra các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; nhất là tập trung đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đảm bảo đúng thời gian, đúng quy trình, quy định, kịp thời giải quyết những vướng mắc và các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm tỷ lệ hồ sơ chậm muộn; đơn vị cũng sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Trường Đại học rà soát, vận động, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT...
Mặt khác, để người dân, người sử dụng lao động hiểu rõ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, ngành BHXH sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; tập trung đối thoại trực tiếp tại các khu công nghiệp để phổ biến, tuyên truyền các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!