Nỗ lực từ địa phương
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động và gia đình khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời
Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó, tiếp tục khẳng định quan điểm: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Nghị quyết đã đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%; Đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 2,5%; Đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 5%.
Ngay sau khi có Nghị quyết 28-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH và ngày 8/10/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Với những chương trình hành động cụ thể và sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, chính sách về BHXH tự nguyện với mục tiêu phủ rộng đối tượng khu vực chính thức đã triển khai mạnh mẽ.
Những lần đi công tác thực tế tại địa phương, chúng tôi ghi nhận chính sách BHXH lan tỏa rộng xuống cơ sở thông qua các hội nghị tuyên truyền tại địa phương. Bà Bạc Thị Kim Phượng, thôn 1, xã Hoà Phú, (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết: Trước kia, tôi và nhiều người dân đã biết đến các loại bảo hiểm nhân thọ, nhưng không phân biệt được BHXH tự nguyện là chính sách của Đảng và Nhà nước để có lương hưu và BHYT sau này. Sau khi được tuyên truyền, tôi và chồng đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 9/2020 để bớt gánh nặng cho con khi sau này mình về già.
Đó cũng là tâm tư của nhiều người dân nông thôn lần đầu biết đến BHXH tự nguyện và khi hiểu rõ đã chủ động tham gia để có lương hưu và sau này sẽ có BHYT. Nhờ những nỗ lực trên, trong năm 2020, BHXH Đắk Lắk đã phát triển được 13,322 người, đạt 101,4% kế hoạch.
Trong khi đó, tại huyện Yên Thành (Nghệ An), năm 2020, dù khó khăn do dịch COVID-19 nhưng với sự kết hợp tuyên truyền theo nhóm nhỏ và các biện pháp truyền thông, huyện Yên Thành đã phát triển đạt 14.842 đối tượng BHXH tự nguyện, gấp gần 4 lần so với trước khi có Nghị quyết 28-NQ/TW.
Bà Hoàng Thị Chín, Giám đốc BHXH huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết: Có được thành công này là nhờ vào định hướng của Nghị quyết 28-NQ/TW, qua đó đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động. Đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1% số người trong độ tuổi lao động.
Để người dân có lương hưu khi về già
Theo BHXH, Nghị quyết 28-NQ/TW đã gỡ nhiều vướng mắc theo hướng linh động hơn để người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, qua đó mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.
Cụ thể, chính sách không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện, chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên. Phương thức đóng cũng đa dạng, linh hoạt như: Bổ sung thêm các phương thức đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm); đóng một lần cho những năm còn thiếu). Quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện phù hợp hơn như căn cứ mức đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) so với trước năm 2016 thì mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Để đưa Nghị quyết 28-NQ/TW vào cuộc sống, BHXH Việt Nam chỉ đạo 100% BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW tại địa phương. BHXH các địa phương còn kịp thời tham mưu về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho các địa phương, và kiến nghị để HĐND các cấp đưa chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
BHXH Việt Nam cũng kêu gọi sự vào cuộc của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt việc phối hợp tổ chức Hội nghị trực tiếp với người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.
Theo thống kê, từ tháng 10/2018 đến hết tháng 12/2020, chỉ tính riêng ở Trung ương, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tổ chức khoảng trên 300 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo,… về chính sách BHXH, BHYT với sự tham gia của trên 53.000 lượt người tham dự; phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí thực hiện đăng tải, phát sóng trên 23.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục,… tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Ở địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức hơn 39.000 hội nghị tập huấn, tư vấn, đối thoại trực tiếp, hội thảo, tuyên truyền nhóm nhỏ,… với trên 2,4 triệu lượt người tham dự.
Kết quả mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng đáng kể trong hơn 2 năm qua. Cụ thể, đến năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 574.000 người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28 đặt ra.
Do đó, năm 2021, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH để họ tích cực, tự giác tham gia. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu và phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 (Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng) đã nêu bật chủ trương mở rộng số người tham gia BHXH: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hoà nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Đổi mới cách tiếp cận, tăng cường phối hợp, lồng ghép, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hoá. Tiếp tục hiện đại hoá quản lý bảo hiểm xã hội theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Phát triển và đa dạng hoá các dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp.