Theo đó, các địa phương đã giải ngân hơn 945 tỷ đồng (đạt hơn 96% so với kinh phí đã điều chỉnh là hơn 984,5 tỷ đồng) hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu lượt người lao động tiền thuê nhà. Nhiều địa phương đã giải ngân 100% so với hồ sơ được phê duyệt như: Quận 4, 5, 6, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Huyện Cần Giờ, Hóc Môn...
Để hoàn thành công tác chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết, đã kiến nghị các địa phương nhanh chóng thực hiện các thủ tục giải ngân hỗ trợ kinh phí cho người lao động theo quy định. Đồng thời, Sở đề nghị Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh tham mưu Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh bổ sung dự toán ngân sách cho 4 địa phương gồm Quận 1,7, Tân Phú và thành phố Thủ Đức) đã phê duyệt quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà vượt quá kinh phí đã bổ sung để khẩn trương chi hỗ trợ người lao động.
Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đã có công văn kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc điều chỉnh kinh phí thực hiện gói hỗ trợ này theo dự kiến ban đầu từ hơn 1.700 tỷ đồng giảm xuống còn hơn 984.500 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1,69 triệu lượt lao động.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân ban đầu Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện dựa trên thông tin người lao động tham gia Bảo hiểm Xã hội và tình hình cư trú của người lao động tại địa phương nên đã dự toán kinh phí số lượng người lao động thuộc diện hỗ trợ khá cao. Do phát sinh tình trạng dự toán ban đầu cao hơn tình hình thực tế hồ sơ tiếp nhận nên trong suốt thời gian ban đầu, tỷ lệ giải ngân ở các địa phương TP Hồ Chí Minh rất thấp (vì tỷ lệ được tính toán dựa trên số liệu dự toán).
Về vấn đề này, ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 10 nhìn nhận, địa phương ban đầu đề xuất dự toán kinh phí hỗ trợ là 70 tỷ đồng, căn cứ vào 70% số doanh nghiệp và người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đã được cấp hơn 49 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, thực tế số doanh nghiệp và người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ ít hơn số dự toán ban đầu. Do vậy v quận kiến nghị Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh giảm số tiền dự toán còn 22 tỷ đồng”, ông Hải chia sẻ.
Theo ông Bùi Thế Hải, sở dĩ số lượng hồ sơ doanh nghiệp và người lao động giảm nhiều là do lao động ở một số doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội tại TP Hồ Chí Minh nhưng làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện ở tỉnh, thành phố khác nên sẽ nộp hồ sơ đề nghị hưởng tại nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.