Kế hoạch của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng tới chuyển đổi nhanh, kịp thời trạng thái để thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ công tác thu, khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thực hiện ngay việc điều phối, phân luồng những nhiệm vụ cần tập trung lực lượng công chức, viên chức trực tiếp, dịch vụ công, hoặc điện tử, trực tuyến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thay đổi cấp độ dịch theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, thực hiện công tác thu, khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp đề xuất với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các giải pháp về cung cầu lao động, giải pháp để người lao động (từ vùng dịch về quê thời gian qua) sớm quay trở lại khôi phục thị trường lao động, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó gắn với khôi phục, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặt ra nhiều giải pháp cụ thể để thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp theo từng cấp độ dịch, phấn đấu đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm, từng giai đoạn. Chẳng hạn, trong công tác đôn đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, đối với địa bàn, khu vực cấp độ dịch cấp 1, 2, cơ quan này kết xuất dữ liệu trên phần mềm Quản lý Thu - Sổ, Thẻ, phân loại đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo thời gian nợ.
Đơn vị nợ dưới 01 tháng, Bảo hiểm Xã hội sẽ liên hệ qua điện thoại, Zalo, email, gửi thông báo, tài liệu tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của đơn vị trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các quy định liên quan đến việc phạt nộp chậm, xử lý đối với đơn vị nợ..., làm việc trực tiếp với đơn vị để đôn đốc đơn vị nộp tiền đóng kịp thời, không để phát sinh lãi chậm đóng.
Đơn vị nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, cơ quan Bảo hiểm Xã hội trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc, nhắc nhở; lập biên bản làm việc yêu cầu đơn vị nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kịp thời cho người lao động. Cơ quan này sẽ tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với tất cả các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên và đề xuất UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ lớn, kéo dài, xử phạt hành chính theo từng hành vi vi phạm; lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với đơn vị đang thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, Bảo hiểm xã hội sẽ thường xuyên đôn đốc đơn vị đóng đầy đủ các Quỹ ốm đau, thai sản, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đóng bù Quỹ hưu trí và tử tuất khi hết thời hạn tạm dừng đóng theo quy định, không để phát sinh nợ.
Đối với đơn vị giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, Bảo hiểm Xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án, kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan đề xuất ưu tiên đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để giải quyết quyền lợi hưởng chế độ cho người lao động từ nguồn kinh phí thanh lý tài sản…
Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố sẽ nắm bắt thông tin về thị trường lao động khu vực chính thức để tham gia đề xuất các giải pháp về khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, gắn với khôi phục và phát triển người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế. Tại các tỉnh, thành phố có nhiều người lao động di chuyển về các địa phương khác, hằng tuần, Bảo hiểm Xã hội chủ động liên hệ với doanh nghiệp nắm bắt tình hình nhu cầu lao động (thiếu hụt lao động); phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi người lao động đã làm việc quyết định các giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc.
Tại các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận lao động từ địa phương khác, hằng tuần, cơ quan này chủ động liên hệ với doanh nghiệp nắm bắt tình hình về nhu cầu lao động tại địa phương (phân theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động); phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp chính quyền địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền về nhu cầu sử dụng lao động để người lao động biết và tham gia vào thị trường lao động chính thức, gắn với phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể để thực hiện và bố trí công chức, viên chức, phân công nhiệm vụ chuyển đổi ngay trạng thái các hoạt động khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi cấp độ dịch, đặc biệt đối với việc chuyển đổi từ cấp độ từ cấp độ cao đến cấp độ thấp, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và đạt hiệu quả cao nhất. Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn để xây dựng kế hoạch cụ thể hằng tuần, hằng tháng; huy động công chức, viên chức và người lao động thực hiện các giải pháp về thu và khai thác, phát triển người tham gia đảm bảo phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, số lượng các cuộc hội nghị khách hàng, số đơn vị, người lao động cần điều tra, rà soát từ dữ liệu thuế được giao...
Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải phân công cụ thể trách nhiệm cho từng công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm việc tại địa phương để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ để vận động người dân quay trở lại làm việc, từ đó phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.