Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững. Tròn 5 năm Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống, tín dụng chính sách được ví như cây cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân. Với ý nghĩa đó, TTXVN xin trân trọng giới thiệu loạt bài "Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân".
Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, phủ sóng đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Hoạt động này trong 5 năm qua đã góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 902 nghìn lao động; trên 19 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 301 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, Chỉ thị số 40 ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp quá trình xóa đói giảm nghèo của đất nước đi vào chiều sâu thực chất. Tín dụng chính sách là “điểm sáng” trong chương trình giảm nghèo của đất nước. Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai, mô hình tổ chức quản trị đặc thù của Ngân hàng Chính sách Xã hội hoàn toàn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
"Trong suốt quá trình thực hiện, có khoảng 10 triệu lượt hộ được vay vốn, như vậy là chúng ta đã bao phủ toàn bộ thôn bản, xã phường. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp người nghèo xóa nghèo bền vững. Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội còn thể hiện ở chỗ nợ quá hạn rất thấp, chiếm 0,41%. Đây là thành tựu nổi bật và rất đáng lưu ý", ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Y Khút Niê, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng nhận định, việc cho vay vốn tín dụng chính sách là chủ chương hết sức đúng đắn và nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chỉ thị 40 đã tạo niềm tin cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, chăm lo cho các đối tượng yếu thế để “không ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Nếu không có sự chỉ đạo và lãnh đạo xuyên suốt của Đảng thì những chương trình giảm nghèo sẽ triển khai hết sức khó khăn.
Cũng theo ông Y Khút Niê, từ khi Chỉ thị số 40 ra đời, tỉnh Đắk Lắk đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo tới các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng và tác động to lớn của tín dụng chính sách, để Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai tốt Chỉ thị số 40, để nguồn vốn đến đúng đối tượng, người vay vốn có ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.
Chỉ thị số 40 có 5 nội dung: thứ nhất, là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các cấp trong việc chỉ đạo tiếp tục chương trình tín dụng cho người nghèo. Thứ hai, là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh vai trò để tăng cường năng lực điều hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thứ ba, là tiếp tục tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách. Thứ tư, là nâng cao năng lực của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mục tiêu cuối cùng của Chỉ thị là việc tổ chức thực hiện.
Trong 5 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có những kế hoạch, hoạt động bám sát, chủ động, tích cực, liên tục từ đó tham mưu tốt cho các cấp ủy Đảng triển khai Chỉ thị này. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao đối với một ngân hàng thực hiện tín dụng cho vay vốn để giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, qua 5 năm nguồn vốn ngân sách tăng 1,6 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Đặc biệt, nguồn vốn uỷ thác tại chính quyền địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay tăng vượt bậc, đến nay đã đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 10.800 tỷ đồng so với khi bắt đầu thực hiện, đây là một con số rất ấn tượng.
Đến nay, 100% địa phương đã ủy thác qua ngân hàng chính sách, bình quân một địa phương cấp tỉnh là 230 tỷ đồng; trong đó có địa phương đạt tỷ lệ cao như: Hà Nội là 2.900 tỷ đồng, Tp. Hồ Chí Minh 2.200 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn cũng rất quan tâm đến vấn đề này như: tỉnh Đắk Lắk là 220 tỷ đồng, Quảng Ngãi 160 tỷ đồng, Lào Cai 90 tỷ đồng…
"Khi chính quyền địa phương, thực hiện chỉ đạo của Đảng, chuyển nguồn vốn sang cho vay tại địa phương, góp phần làm sâu sắc thêm ý nghĩa của Chỉ thị số 40 đối với chính địa phương đó, góp phần củng cố mối quan hệ giữa nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương gắn bó hơn với nhân dân và thể hiện trách nhiệm của mình tốt hơn", ông Nguyễn Văn Lý khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lý, quá trình tổng kết cho thấy, việc chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đã góp phần đưa chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, thành công, tránh tình trạng nửa vời. Cấp ủy, địa phương nào khi triển khai Chỉ thị này tốt, thì ở địa phương đó, tín dụng chính sách hoạt động lưu loát hơn, được tập trung nguồn lực tốt hơn, hiệu quả và góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương, như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, thực hiện Chỉ thị 40 là kết quả kép trên nhiều mặt trong hoạt động Đảng cũng như cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Từ khi thực hiện Chỉ thị này, tín dụng tín sách đã đến với người dân thuận lợi hơn.
"Ông cha ta đã nói rằng: “Của cho không bằng cách cho”, khi tổ chức Đảng, cơ sở vào cuộc, việc đưa vốn về tốt hơn, từ đó tín dụng chính sách hoạt động hiệu quả hơn. Từ đây, Đảng gần dân hơn và ngược lại, người dân cảm nhận được sự quan tâm của Đảng", Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội nói.
Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau