Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân - Bài cuối: Chắp cánh cho giấc mơ khởi nghiệp

Vườn dưa của anh Lê Xuân Cường ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá đang hứa hẹn một mùa vàng. Chàng trai trẻ dù bận rộn bên vườn dưa nhưng vẫn không quên nhắc đến nguồn vốn chính sách xã hội đã hỗ trợ anh suốt quá trình học Đại học.

Chú thích ảnh
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn người dân xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, làm thủ tục vay vốn. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Nhớ lại những ngày đầu, mẹ anh Cường là bà Trần Thị Thêu ngậm ngùi nói: "Lúc biết con đỗ Đại học tôi lo nhiều hơn mừng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng lấy tiền đâu mà cho con ăn học. Có lúc tôi đã nghĩ thôi cho con ở nhà để có thêm lao động, gia đình bớt cực nhưng lại thấy có lỗi với con. Rồi nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ, mọi thứ được "tháo nút" khi Ngân hàng Chính sách Xã hội cho tôi vay vốn để làm ăn và cho con đi học".

Bà Thêu cho biết thêm, nhờ 20 triệu đồng được vay từ chương trình cho vay hộ nghèo năm 2008, gia đình bà đã mua 2 con nghé và 2 năm sau nghé sinh sản và bán được, nhờ vậy đã trả được nợ. Cứ như vậy, bà Thêu cùng chồng và các con chăm chỉ làm lụng, nuôi bò, nuôi lợn ngày một sinh sôi và gia đình đã thoát nghèo.

Chương trình cho vay học sinh sinh viên cũng đã hỗ trợ gia đình bà Thêu 40 triệu đồng, giúp anh Lê Xuân Cường hoàn thành chương trình Đại học.

"Vốn chính sách như chiếc phao cứu sinh của gia đình tôi. Không có vốn gia đình không thể cho các con ăn học và làm ăn cho thu nhập được. Nhờ có vốn, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn", bà Thêu vui vẻ nói. 

Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chàng trai Lê Xuân Cường lựa chọn ngay con đường trở về quê hương làm giàu. Anh Cường chia sẻ: "Mình sinh ra từ nông thôn, quê mình có đất, có ruộng, tại sao lại không làm giàu trên chính mảnh đất ấy?"

Với suy nghĩ ấy, anh Cường đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tìm hiểu mảnh đất quê hương. Bà con ở đây vốn quen với trồng mía nhưng gần đây thu nhập đã kém. Sẵn có kiến thức học được từ trường Đại học, anh Cường thấy mảnh đất quê hương phù hợp với trồng dưa vàng.

Rồi anh mạnh dạn động viên bố mẹ đầu tư thử nghiệm 1.000 m2 trồng dưa vàng. Với hệ thống nhà kính khép kín, dưa vàng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, là sản phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ người dân. Đây cũng là mô hình kinh tế mới ở địa phương.

Anh chia sẻ thêm, dưa vàng từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 - 65 ngày, 1 năm có thể trồng và thu hoạch ít nhất 3 lứa. Mỗi quả dưa nặng từ 1,3 kg đến 1,8 kg, giá thu mua của thương lái từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Bước đầu thành công, mô hình trồng dưa vàng của chàng trai trẻ không dừng lại ở 1.000 m2. Anh Cường đang ấp ủ mở rộng thêm diện tích và đang rất cần vốn.

"Tôi đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vốn để ăn học thành tài và tôi đã đạt được mơ ước. Giờ tôi sẽ tiếp tục giấc mơ khởi nghiệp từ vườn dưa vàng này. Tôi mong có nhiều bạn trẻ được thụ hưởng nguồn vốn này để được đi học, được học nghề và làm giàu cho mình", anh Lê Xuân Cường nói.

Giống như gia đình anh Cường, nhiều gia đình khác tại Thanh Hoá cũng đã được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách trong chương trình cho vay học sinh sinh viên. Chị Vi Thị Sơn ở thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân cũng vay vốn học sinh sinh viên cho cô con gái Vi Thị Cầm học trung cấp. Đến nay con gái chị Sơn đã tốt nghiệp, đi làm có thu nhập ổn định và đã trả hết nợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Chị Vi Thị Sơn xúc động chia sẻ: "Số vốn vay nhỏ nhưng lợi ích vô cùng lớn với chúng tôi. Nhờ vốn chính sách con tôi được đi học và có được công việc ổn định, nó như chiếc cần câu cơm. Cứ như thế này thì cái nghèo sẽ không còn đeo bám bà con nữa."

Kết thúc năm 2019, chương trình cho vay học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ với dư nợ cho vay đạt 11.020 tỷ đồng, trên 400 nghìn khách hàng đang còn dư nợ với gần 450 nghìn học sinh sinh viên đang được thụ hưởng chính sách từ chương trình tín dụng này.

Trên cơ sở gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, chi phí học tập, sinh hoạt, ăn ở, đi lại của học sinh sinh viên đang ngày một tăng cao, đồng thời hỗ trợ học sinh sinh viên có thêm cơ hội lựa chọn các trường, ngành học có chất lượng cao, sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 về việc điều chỉnh tăng mức cho vay đối với chương trình tín dụng học sinh sinh viên.

Theo đó, mức cho vay tăng từ 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên kể từ ngày 1/12/2019.

Theo ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ban tín dụng Học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác (Ngân hàng Chính sách Xã hội), việc điều chỉnh tăng mức cho vay đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn do giá cả và mức học phí có xu hướng tăng lên.

Bên cạnh đó, tạo bình đẳng trong học tập giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn; tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề tháo gỡ cơ bản những khó khăn khi các trường triển khai chính sách tăng học phí và tự chủ về tài chính, đồng thời làm tốt công tác đào tạo các ngành học có chất lượng cao.

Năm 2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội kỳ vọng với mức cho vay tăng lên sẽ đáp ứng được nhu cầu vay vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hiệu quả vốn vay của chương trình sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cung cấp được nhiều hơn nữa nguồn lực có trình độ và chất lượng cao cho đất nước.

 

Đỗ Huyền (TTXVN)
Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân - Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân - Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung phát triển cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước. Từ khi Chỉ thị 40-CT/TW (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng các cấp từ Trung ương tới địa phương luôn quan tâm, huy động các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của đồng bào. Đây là một chủ trương đúng chuyển từ cấp phát "cho không" sang hỗ trợ có điều kiện thông qua tín dụng chính sách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN