Vườn cao su của Công ty cổ phần cao su Sa Thầy. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Người dân nơi đây chủ yếu là công nhân cao su, thu nhập chủ yếu từ loại cây trồng này nhưng đến nay đa số diện tích vườn cây chưa khai thác. Trước thực tế trên, thời gian qua người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển diện tích các loại cây công nghiệp khác như tiêu, cà phê, điều, cây ăn quả nhằm đa dạng hóa cây trồng, dần phá thế độc canh cao su, chủ động trong phát triển kinh tế.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia H’Drai cho biết, bà con mong muốn phá thế độc canh cao su nhưng hầu hết diện tích đất trên địa bàn xã đều thuộc các công ty cao su. Vì vậy để phát triển thêm các loại cây trồng khác, bà con chủ yếu tận dụng bờ lô hợp thủy hoặc xen canh các loại cây trồng. Với đặc thù đất trên địa bàn huyện gồm nhiều loại khác nhau như đất trắng, đất pha cát, pha sỏi nên tùy theo từng loại đất mà địa phương có những loại cây trồng phù hợp.
Tại xã Ia Đal, người dân trồng gần 20 ha cà phê, cây phát triển xanh tốt, đã cho thu bói, đạt năng suất cao đã phần nào minh chứng cho việc khí hậu, thổ nhưỡng không chỉ phù hợp với cây cao su. Anh Nguyễn Trung Hiếu ở thôn 1, xã Ia Đal năm 2012 mạnh dạn trồng gần 4ha cà phê. Thấy cây phát triển tốt, đến năm 2016 anh trồng thêm 3 ha nữa đến nay diện tích cà phê đợt đầu đã cho trái bói, năng suất cao, diện tích cây còn lại phát triển ổn định. Năm 2016 gia đình thu được 4,7 tấn nhân, bán được gần 250 triệu đồng.
Ông Ngụy Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết: Xã phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân huyện mở các lớp tập huấn, truyền đạt kỹ năng kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn xã. Hiện nay, cơ bản đã phá được thế độc canh cao su tạo điều kiện cho người dân có hướng phát triển đa dạng hơn, không còn phụ thuộc vào cây cao su như trước đây.
Hơn 20 ha cây bơ xen cà phê tại 2 xã Ia Tơi, Ia Dom bước đầu phát triển ổn định. Trồng 500 cây cà phê và vừa mới xen canh 35 cây bơ, ông Nguyễn Thanh Tâm, thôn 8, xã Ia Tơi cho biết bơ đã phát triển tốt. Không chỉ trồng bơ xen cà phê, tranh thủ lúc cây đang còn nhỏ, ông Tâm còn gieo thêm bắp lai để lấy ngắn nuôi dài đồng thời tạo độ ẩm cho cây bơ và cà phê phát triển.
Qua quan sát, vườn bắp cho sai quả chất lượng ổn định; bơ và cà phê cũng phát triển tốt, không có dấu hiệu của sâu, bệnh. Trước đây gia đình ông Trần Minh Quỳnh, thôn 2, xã Ia Dom chỉ trồng mì, trồng điều. Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ giống, phân, đầu mùa mưa, ông đã xuống giống trồng 1 ha cà phê và cây ăn quả. Bơ và cà phê đều thích ứng với đất, tỷ lệ sống 100%.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia H’Drai đánh giá việc đa dạng hóa các loại cây trồng là bước đột phá cho bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trồng xen cây bơ với cà phê vừa làm bóng mát, vừa chắn gió, vừa giữ độ ẩm ổn định cho cây cà phê, đỡ công tưới, giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, khi trồng xen, bà con cần chú ý, theo dõi kỹ về tình hình sâu bệnh, tránh tình trạng lây lan nguồn sâu bệnh cho các loại cây chủ lực.
Hiện tại, ngoài diện tích cao su trên toàn huyện Ia H’Drai gần 25.000 ha; diện tích cây công nghiệp trồng xen canh, tận dụng bờ lô hợp thủy của cà phê 35 ha, hồ tiêu 18 ha, cây điều 402 ha, bời lời 30 ha, cây ăn quả 35 ha. Huyện cơ bản đã phá được thế độc canh cao su, tạo cơ hội chủ động phát triển kinh tế cho người dân.