Trong số này có nhiều quy định mới bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của người dân, đặc biệt đối với người bị thu hồi đất, góp phần hạn chế và giải quyết khiếu kiện về đất đai; đa dạng hóa hình thức bồi thường về đất, đồng thời, quy định thêm nhiều khoản hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá, Luật Đất đai 2024 đã xác định rõ hơn quy định về đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi...Theo đó, Điều 91, 92, 93, 94 Luật Đất đai 2024 quy định về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó cũng có nội dung cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt như: Người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở….
Cùng với đó là quy định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi đất được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư.
Về nội dung thu hồi đất, nếu như trước đây, tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp: Các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận thì tại Điều 79 Luật Đất đai 2024 đã quy định chi tiết hơn: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa với 32 trường hợp cụ thể.
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng, Điều 91 Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể hơn về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như: Bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; đồng thời, quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, tại khoản 2 và 3 Điều 91 Luật Đất đai 2024, bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…Chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường thiệt hại; chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ.
Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi trong thời gian tới, Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng cho rằng, việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất… Do đó, Nhà nước cần có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Nhà nước cần phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi.