Văn hóa dân tộc đang mất dần
Vào khoảng cuối những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, cứ vào dịp đầu năm mới (trong khoảng tháng Giêng), hầu như thôn, bản vùng lòng chảo Mường Lò, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đều tổ chức hội ném còn. Nay hội bản này, mai hội bản khác, thu hút đông đảo bà con trong bản cũng như những bản lân cận tham gia. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khèn náo nức, người lớn tưng bừng với thú ném còn, múa xòe, trẻ em vui vẻ với trò đu quay, leo cột mỡ hái lộc… Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, những lễ hội ném còn ngày càng ít dần, và số người tham gia cũng không còn đông như xưa. Ném còn bây giờ chỉ còn được trình diễn ở một số lễ hội lớn của huyện, còn các bản hầu như không tổ chức riêng như trước nữa.
Tiết mục văn nghệ do UBND huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) tổ chức trong Ngày hội văn hóa, thể thao và ẩm thực với chủ đề “Hương sắc Mường Khoe”. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Đối với đồng bào dân tộc Mông vùng núi phía Bắc, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong tình yêu, hôn nhân. Trước kia, ở các phiên chợ, các chàng trai, cô gái người Mông thường thổi kèn lá để tìm bạn tình. Sau khi yêu nhau, họ dùng tiếng sáo, dùng đàn môi để bày tỏ tình cảm với người yêu. Rồi khi đi chơi hội gầu tào, họ lại dùng đàn ống để làm phương tiện chuyển tải tình cảm của mình. Nhưng bây giờ, khi các phương tiện thông tin hiện đại ra đời, người ta đã không còn dùng tiếng khèn, tiếng sáo nữa. Có giai đoạn, họ mang theo cả đài cát-sét, mở radio thay cho những nhạc cụ dân tộc, và giờ thì họ dùng cả điện thoại di động, để liên lạc... Việc thổi kèn, thổi sáo hay hát tỏ tình đang bị mai một, biến mất và rất khó bảo tồn.
Tình trạng mai một, khó bảo tồn các sinh hoạt văn hóa truyền thống không chỉ diễn ra ở cộng đồng người Mông, mà dân tộc Thái, Mường, Tày, Cao Lan… Nghệ thuật hát giao duyên, thổi khèn… đang mất dần trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Không chỉ mai một lễ hội, âm nhạc, mà ngay cả tiếng nói, một thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc, đồng thời là tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người cũng đã bị mai một hoặc có nguy cơ mai một. Theo ông Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện nay nhiều dân tộc không còn nói tiếng mẹ đẻ. Đơn cử, người Bố Y có hơn 2.000 người, thuộc 2 nhóm địa phương là Tu Dí (ở Lào Cai) và Bố Y (ở Hà Giang).
Hiện nay, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày. Hay người Phù Lá, có khoảng 11.000 người, gồm có 2 ngành Pu Là và Xa Phó. Người Xa Phó còn giữ được tiếng mẹ đẻ, nhưng toàn bộ khoảng 5.000 người Pu Là không nói được tiếng mẹ đẻ, và cũng chuyển sang sử dụng tiếng Quan hỏa. Tương tự, người Cờ Lao đỏ ở Hà Giang cũng không còn nói được tiếng mẹ đẻ. Ở một số địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc, các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch. Ngôn ngữ mẹ đẻ của dân tộc La Ha chỉ còn một số từ vựng cơ bản trong các bài cúng cổ. Ngay các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun cũng có tới 70 - 80% là tiếng Thái.
Không riêng gì ngôn ngữ, mà các thành tố văn hóa khác như trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội… của các dân tộc này đều đã mai một nghiêm trọng. Lên Tây Bắc bây giờ, chỉ có các nhà dân tộc học, hoặc những người am hiểu sâu sắc về văn hóa tộc người, mới phân biệt được nhà sàn của người Kháng, người La Ha khác với người Thái thế nào… Khi tham dự một số lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng của người Kháng, người La Ha, người Xinh Mun… không ít người lại nghĩ đó là sinh hoạt văn hóa của người Thái. Có thể thấy, xu hướng “Thái hóa” kết hợp với xu hướng “Kinh hóa” đang làm bào mòn một số di sản văn hóa còn sót lại của đồng bào các dân tộc ít người này.
Một ví dụ khác, như dân tộc Ơ Đu, dân số hiện chỉ còn khoảng 300 người, cư trú đông nhất ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Hiện nay, dân tộc Ơ Đu, từ nhà cửa, trang phục, cưới hỏi, ma chay… đều pha trộn, vay mượn của người Thái và người Khơ Mú trong vùng. Ngay cả tiếng nói, họ cũng dùng các tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày.
Khó giữ bản sắc
Những ví dụ trên chỉ là những điển hình rất nhỏ về thực trạng mai một bản sắc văn hóa của một số đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Trên thực tế, hiện nay, nhiều dân tộc chỉ còn lại khoảng vài chục người cao tuổi biết tiếng của dân tộc mình. Những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của già làng, trưởng bản mà thôi.
Theo ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), nhiều di sản văn hóa truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang có nguy cơ bị mai một, biến dạng, hoặc chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức. Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn, do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Hàng nghìn buôn, bản, làng truyền thống với giá trị văn hóa tiêu biểu cho các dân tộc, đang có nguy cơ biến mất, hoặc biến dạng, rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, nhưng trước hết phải thấy sự quan tâm của các ngành, các cấp về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc chưa thật sự sâu sát, đồng bộ. Đầu tư của Nhà nước để xây dựng thiết chế văn hóa còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, tuy đã từng bước được thể chế hóa, nhưng từ chủ trương, chính sách cho đến việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khoảng cách, trong đó, khâu chỉ đạo điều hành còn thiếu sự thống nhất.
Trong khi công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống còn chưa tốt, người dân không còn mặn mà với việc bảo tồn văn hóa truyền thống, thì sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh, nhiều sản phẩm văn hóa từ khắp nơi cũng tràn đến núi rừng. Bà con các dân tộc dễ dàng tiếp thu những văn hóa mới, nhưng lại thiếu chọn lọc, nên đã ảnh hưởng xấu tới văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc dần ngại mặc trang phục truyền thống, không còn thích hát bài hát, điệu nhảy, âm nhạc của dân tộc mình… Quá trình đô thị hóa cũng làm mất dần những ngôi nhà sàn, nhà đất truyền thống, mà thay vào đó là những ngôi nhà bê tông…
Thêm vào đó, ở các vùng miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống còn rất nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, bị chia cắt lớn; cơ sở vật chất hạ tầng lạc hậu, kinh tế chậm phát triển; địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt, không tập trung, đồng bào chủ yếu sống xa trung tâm, tiếng nói, tập quán không giống nhau; đời sống vật chất và tinh thần còn thấp kém, nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc văn hóa ở một số dân tộc là đáng lo ngại.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cho rằng, sự phát triển của kinh tế, cùng với việc theo đuổi nhu cầu vật chất, người ta dễ dàng quên đi ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa dân tộc thiểu số, một số loại hình văn hóa mai một, một số lại chuyển đổi chức năng… đó là điều tất yếu và khó có thể cưỡng lại được, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ phát triển tràn lan như hiện nay.