Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước, kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức là chủ yếu.
Theo đó, phát huy những kết quả đạt được năm 2023 và để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh đề nghị các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước cần bám sát Chương trình hành động của Bộ, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 theo chỉ đạo của Bộ trưởng với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững". Cụ thể, các đơn vị trực thuộc Cục quán triệt, quan tâm thực hiện nghiêm túc các giải pháp chủ yếu như: Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; tiếp tục quán triệt, phổ biến cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực thi hiệu quả Luật Tài nguyên nước.
Các đơn vị trực thuộc Cục quán triệt tinh thần hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trong toàn hệ thống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao; có tinh thần đoàn kết, phối hợp và trách nhiệm trong công việc; tổ chức thực hiện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, giải pháp đã được cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch công tác năm 2024.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến, năm 2024, Cục sẽ tăng cường thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp theo Chương trình công tác năm 2023 của Cục đảm bảo chất lượng nội dung và thời gian quy định, trọng tâm tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước. Trước mắt, Cục sẽ xây dựng dự thảo 02 Nghị định và 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023; xây dựng Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông: Cả, Ba, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh. Lập và phối hợp lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba, Cả, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh trình Chính phủ phê duyệt. Đôn đốc, triển khai, thực hiện các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông: Hồng, Sê San, Cửu Long, Đồng Nai, Hương, Mã.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chấp hành quy định pháp luật về tài nguyên nước và các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến cho hay, năm 2024, Cục sẽ thực hiện theo dõi, giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đến nay 100% hồ chứa đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày. Theo dõi, giám sát trực tuyến vận hành các hồ chứa thủy điện lớn, đảm bảo 100% hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; phấn đấu tất cả các công trình khai thác sử dụng nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đối tượng quan trắc tự động hoàn thành 100% (trừ công trình thủy lợi).
Ngoài ra, Cục sẽ rà soát tình hình diễn biến nguồn nước, kịp thời điều chỉnh dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu 700 hồ chứa, đập dâng của 650 công trình thủy lợi, thủy điện đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Chủ động chuẩn bị hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, kết quả kiểm kê tài nguyên nước và kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh để triển khai và công bố vào năm 2025 đảm bảo việc kết nối với hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, theo dõi biến động nguồn nước, trong đó có nguồn nước liên quốc gia trong việc xây dựng kịch bản nguồn nước.
Bên cạnh đó, Cục tập trung nguồn lực xây dựng hoàn thành hệ thống 15 quy hoạch về tài nguyên nước được Luật giao và tổ chức thực hiện quy hoạch có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan tạo nguồn lực thực thi các nhiệm vụ; quản lý, giám sát khai thác sử dụng có hiệu quả thông qua việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm bằng các công cụ giám sát trực tuyến kết hợp với các biện pháp khác...
Đồng thời, Cục cũng tăng cường làm việc với các địa phương, đặc biệt trong việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong thực thi Luật và công tác quản lý tài nguyên nước; thúc đẩy việc triển khai các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước, đặc biệt là xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định, quan trắc tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước, công bố sức chịu tải của nguồn nước liên tỉnh trên các lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, sông Srêpốk và sông Ba để có thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số.