Ông Lò Văn Muôn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Không nên phát triển tự phát
Cây cao su là cây trồng mới ở vùng Tây Bắc. Chính sách phát triển loại cây này là đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng phải rất thận trọng, không nên phát triển ồ ạt. Trong tình hình hiện nay, các địa phương có cây cao su cần tập trung đầu tư và chăm sóc vườn cây đã trồng; đặc biệt là giải quyết những vướng mắc khi người dân góp đất trồng cao su...
Điểm yếu của chúng ta là khi thực hiện một chương trình, công việc gì đó, chúng ta chưa làm tốt khâu tuyên truyền. Chủ trương đưa ra những viễn cảnh rất hồng, nhưng ít quan tâm đến mảng mầu xám có thể xảy ra. Cao su là một loại cây trồng mới nên các địa phương và doanh nghiệp trồng cao su phải thận trọng hơn trong việc phát triển cây trồng này.
Hiện tại, cây cao su chưa thu hoạch nên chúng ta chưa thể khẳng định cây trồng này đã thành công. Với đặc điểm địa hình miền núi, dốc cao, suối sâu, không phải diện tích nào cũng có thể trồng được cao su như các địa phương khác ở vùng Đông Nam Bộ. Trong khi đó, để bảo đảm sinh kế cho người dân, việc trồng xen canh các cây trồng khác, góp phần tăng thu nhập cho người dân cũng rất khó.
Việc trước mắt đó là doanh nghiệp phải xác định khi vườn cao su đến tuổi thu hoạch, thì cần có nhà máy để tiến hành khai thác mủ. Có nhà máy, lợi tức của doanh nghiệp và người dân sẽ nâng lên. Chính quyền địa phương và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cần vào cuộc mạnh mẽ, tháo gỡ những vướn mắc để sớm xây dựng các cơ sở sơ chế mủ cao su, để người dân sớm có lợi tức, bảo đảm đời sống đồng bào vùng Tây Bắc.
Ông Bùi Đức Thụ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu: Để người dân gắn bó với cây cao su
Chính quyền và các công ty cao su cần có cơ chế chính sách cho phù hợp, hỗ trợ, ổn định đời sống người trồng cao su.
Hiện tại, điều kiện kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, việc tham gia góp đất trồng cao su đã dẫn tới nhiều hộ mất hết đất sản xuất, trong khi đó cây cao su phải 7 - 8 năm mới cho khai thác mủ. Vì vậy, họ cần được hỗ trợ mới bảo đảm cuộc sống và yên tâm gắn bó với cây cao su. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường mủ cao su biến động bất thường, Nhà nước xem xét hỗ trợ doanh nghiệp và người dân về chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ kinh phí... Cây cao su là cây dài ngày, đầu tư lớn, nhưng thị trường bất ổn, nếu nay trồng mai chặt thì để lại hậu quả hết sức đau xót.
Quan trọng nhất là việc ăn chia lợi tức và các khoản thu khác trên vườn cao su như tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng công ty và người dân phải thỏa thuận dân chủ, chính quyền phải làm trọng tài. Khi thống nhất mới được thực hiện, tránh gây thiệt thòi cho người dân. Nếu người dân không tin, không làm theo thì mọi việc cũng không thể làm được, đồng nghĩa là chính sách sẽ thất bại.
Ông Đỗ Kim Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV): Cần phát triển cây cao su theo quy hoạch
Cao su là cây công nghiệp dài ngày và được đánh giá là dễ trồng, dễ chăm sóc và cũng khá dễ sống ở nhiều điều kiện môi trường, khí hậu, đất đai khác nhau. Không chỉ phát triển mạnh diện tích ở các tỉnh Đông Nam Bộ, cây cao su đang được mở rộng ở nhiều tỉnh phía Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Dù điều kiện thổ nhưỡng ở đây tương đối phù hợp nhưng cũng phải lưu ý vấn đề khí hậu khắc nghiệt hơn, thường xuyên chịu đựng mưa bão... Để cây cao su đem lại năng suất cao theo tôi không nên phát triển ồ ạt mà cần có quy hoạch cụ thể, trong đó đặc biệt chú ý chọn những nơi có điều kiện tốt nhất để giúp cây phát triển.
Cụ thể, vùng đất thích hợp trồng cây cao su phải đảm bảo thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt; Mức độ kết vón, đá lẫn trong tầng đất canh tác dưới 50%, có tầng đất dày tối thiểu 0,7 m, độ sâu mạch nước ngầm lớn hơn 1,2 m và không bị ngập úng khi có mưa, độ cao dưới 700 m (vùng núi phía Bắc dưới 600 m) so với mực nước biển... Riêng nhiệt độ trung bình năm ở khoảng từ 25 - 300C là phù hợp, không có sương muối về mùa đông, lượng mưa hàng năm khoảng hơn 1.500mm, ít có bão mạnh trên cấp 8...
Ông Lê Tiến Tình, Tổng giám đốc Công ty CP cao su Lai Châu: Năng suất cao su ở Tây Bắc sẽ không cao bằng miền Nam
Lai Châu nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung do địa hình đồi núi dốc, lao động là người dân tộc thiểu số, nên quá trình trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng mủ. Cụ thể, công nhân trình độ hạn chế, vì vậy việc hướng dẫn và đào tạo lao động trực tiếp rất tốn kém, nhưng kỹ thuật trồng từ khâu làm đất đến khi khai thác mủ không cao, sẽ cho năng suất thấp hơn là việc dễ hiểu.
Ở Tây Bắc suất đầu tư rất cao, để trồng 1 ha cao su phải mất hơn 150 triệu đồng, còn trong miền Nam chỉ mất khoảng 60 triệu đồng. Đặc biệt, vườn cây cao su đại điền ở miền Nam, khi khai thác mủ đều công nghiệp hóa, nhưng ở Tây Bắc thì khai thác thủ công hoàn toàn, không chỉ sản lượng mủ thấp mà còn thất thoát nhiều.
Theo tôi, Nhà nước, chính quyền địa phương phải hỗ trợ lồng ghép các chương trình, mục tiêu như công trình giao thông, điện, đường, trường, trạm để giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế. Người dân cũng được hưởng lợi từ các công trình công cộng, ngày công lao động và lợi tức ăn chia sẽ cao lên.