Nguyên tắc xuyên suốt trong thực hiện tái định cư là nơi ở mới phải thật sự ổn định, tránh xa khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của sạt lở núi, lũ quét và phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2022 đến 2023, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh. Theo đó, các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn có thêm gần 2.400 hộ ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai được sắp xếp tại những khu tái định cư tập trung, tái định cư xen ghép phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương.
Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh hỗ trợ gần 5.500 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng lũ quét, triều cường, sạt lở ven sông, ven biển được tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài.
Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho việc sắp xếp, ổn định dân cư tại vùng xung yếu, khu vực miền núi Quảng Nam từ nay đến năm 2025 trên 9 tỷ đồng.
Theo đó, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, lắp đặt nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, điện thắp sáng, hỗ trợ chi phí khai hoang, cải tạo đất sản xuất, hỗ trợ đất tái định cư tối thiểu cho mỗi hộ 200 m2. Mỗi hộ trong diện tái định cư được hỗ trợ 40 triệu đồng cùng với nguồn vốn tự có của từng gia đình, vật liệu tại chỗ để làm nhà mới, ổn định cuộc sống và sản xuất lâu dài, bền vững.