Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 18/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Kế hoạch xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước.
Việc thi hành Luật phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức triển khai; xác định nội dung công việc phải đầy đủ, cụ thể đồng thời gắn trách nhiệm thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức; phát huy trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật. Việc thi hành Luật phải có lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/1/2021 triển khai đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cùng với các văn bản quy định chi tiết thi hành trên phạm vi cả nước; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Bộ Tư pháp được giao chủ trì tổ chức hai hội nghị triển khai thi hành Luật cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cho HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao chủ trì hội nghị quán triệt việc thi hành Luật cho các cơ quan, đơn vị của HĐND và UBND các cấp.
Cũng trong Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật; tổ chức tập huấn chuyên sâu và bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế; kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình tổ chức thi hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch theo đúng tiến độ và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này.