Chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Trị và Tây Ninh thảo luận tại tổ. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luậtTờ trình của Chính phủ về dự án Luật kế toán khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính.
Qua đó, để công tác kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính, vốn, tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước.
Việc sửa đổi, bổ sung sẽ nâng cao chất lượng của công tác kế toán, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này, góp phần tăng cường nâng cao chất lượng kế toán, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với mỗi đơn vị kế toán cũng như toàn xã hội.
Luật kế toán quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán và hoạt động nghề nghiệp kế toán, tổ chức nghề nghiệp kế toán.
Thẩm tra dự án Luật, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, việc sửa đổi Luật Kế toán là cần thiết.
Uỷ ban đánh giá: cùng với quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung, hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính nói riêng, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, nhiều vấn đề liên quan đến công tác kế toán chưa được điều chỉnh.
Uỷ ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu sắc về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.
Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, các đại biểu đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Khắc phục tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫnQua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó xác định phạm vi của dự thảo Luật là điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước trên cơ sở kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004. Và đề nghị đổi tên là “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh.
Nội dung về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.
Đây là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình theo luật định.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; quy định chặt chẽ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền này.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành với đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đại biểu thực tiễn cho thấy mặc dù văn bản của cấp huyện, cấp xã vẫn còn tình trạng sao chép lại văn bản của cơ quan cấp trên nhưng vẫn có nhiều quy phạm mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương, cơ sở.
Đại biểu cho rằng dự thảo cần phải có quy định, giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng sao chép văn bản của cấp trên. Đại biểu khẳng định cần quy định chặt chẽ để không xẩy ra những hạn chế trong thực tế chứ không phải loại bỏ thẩm quyền đó đi.
Cũng đồng tình giao thẩm quyền này cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhưng đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) lại cho rằng không nên giao cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm quyền này.
Theo đại biểu để đảm bảo chính quyền cấp huyện về nhưng nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp đặc điểm địa phương thì việc giao cho chính quyền cấp này thẩm quyền ban hành văn bản là cần thiết.
Tuy nhiên phải xác định rõ thẩm quyền ban hành và hình thức ban hành văn bản; đồng thời quy định chặt chẽ về phạm vi, điều kiện, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay là cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản nhưng nội dung lại sao chép văn bản của cấp trên.
Đối với cấp xã, đại biểu phân tích đây là cấp có trách nhiệm triển khai pháp luật, do đó không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản. Hơn nữa thực tế cho thấy cấp này đa phần ra văn bản là sao chép văn bản của cấp trên, thậm chí có trường hợp sao chép không phù hợp với văn bản của cấp trên.