Thay mặt bà con làng tái định cư Dơ Nâu, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cấp, các ngành đã chung tay giúp đỡ chúng tôi có nơi ở ổn định để an cư, lạc nghiệp. Chúc mọi người một mùa xuân mới với nhiều thắng lợi mới" - đây là lời tri ân của ông Hoàng Văn Tuân, dân tộc Tày, ở làng tái định cư Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai.
Những hộ dân được về ở tại làng tái định cư Dơ Nâu là người dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Tháo, Mường, Dao, Sán Chỉ, Bahnar di cư từ hàng chục tỉnh, thành về huyện Mang Yang (Gia Lai) làm ăn, sinh sống. Nhiều năm qua, cuộc sống “tha phương cầu thực” khó khăn không mua được nhà cửa, ruộng nương nên họ phải di cư nay đây mai đó. Năm nay, người dân phấn khởi vì được chính quyền địa phương lập danh sách cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà. Bà con vui mừng lắm vì xuân năm nay có nhà cửa mới, khang trang, ổn định chỗ ở, con cái đi làm xa về có nơi để đoàn viên, sum vầy.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tập trung huyện Mang Yang tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp với các hạng mục cơ bản như hệ thống cấp nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao trên diện tích 8,2 ha, với tổng kinh phí 12 tỷ đồng. Hiện nay, 100 hộ tham gia dự án đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà cửa kiên cố. Điều đáng mừng là bà con dù thuộc nhiều dân tộc khác nhau nhưng rất đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Các hộ dân di cư đều thuộc diện nghèo, cận nghè, thiếu đất ở được huyện Mang Yang tập trung về đây từ một số xã có rừng phòng hộ trên địa bàn như Kon Chiêng, Kon Thụp, Đăk Trôi để cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà, tạo nơi ở ổn định để bà con yên tâm lao động, sản xuất. Mỗi hộ dân được cấp 500m2 đất (200m2 đất ở, 300m2 đất vườn) được hỗ trợ 10 triệu đồng để di dời nhà về Khu tái định cư Dơ Nâu. Ngoài ra, chính quyền địa phương đang phấn đấu hỗ trợ đạt mức đất sản xuất tối thiểu 5.000m2/hộ để bà con có đất nương rẫy phục vụ sản xuất.
Chương trình bố trí ổn định dân cư đối với các hộ dân di cư tự do, đời sống còn khó khăn theo Quyết định số 1776 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chủ trương hết sức nhân văn, thiết thực của Đảng và Nhà nước ta, nhằm phát triển kinh tế - xã hội đồng đều giữa các vùng, các dân tộc trong cả nước. Trong đó, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho các hộ gia đình đã di cư ngoài kế hoạch đến địa phương. Ngoài việc giúp các hộ dân sớm ổn định đời sống, chương trình sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sức ép vào rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững góp phần bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, củng cố an ninh - quốc phòng.
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, chị Đỗ Thị Hồng Ngọc, dân tộc Tày, vừa dọn mâm đồ cúng về nhà mới vừa vui vẻ cho biết, ngày xưa vì hoàn cảnh khó khăn nên mẹ chị đã dắt díu con cái từ Thái Bình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thời đó, gia đình không có tiền nên được người dân nơi đây cho mượn đất dựng nhà để ở tạm. Cứ thế, mấy mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Sau này chị lập gia đình, tách ra ở riêng nhưng cuộc đời làm thuê cũng chỉ đủ ăn, không đủ tiền mua đất, mua nhà nên phải tiếp tục ở nhờ trên đất của hàng xóm. Đến năm 2020, nhờ đề án bố trí ổn định dân di cư tự do tập trung huyện Mang Yang, gia đình chị đã có nơi ở ổn định.
"Với số tiền 10 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ, cộng với số tiền gia đình tích góp và vay mượn thêm để xây được căn nhà với chi phí hơn 70 triệu đồng. Đây là cái Tết ý nghĩa nhất của gia đình tôi trong suốt bao năm qua. Từ nay, chúng tôi đã có chỗ ở ổn định để tiếp tục làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng quê hương thứ hai của mình ngày càng giàu đẹp. Chúng tôi biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn mảnh đất Tây Nguyên", chị Ngọc xúc động cho biết.
Ông Lương Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Kon Thụp cho biết, để giúp người dân an cư lạc nghiệp, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để con em của các hộ dân được đến trường đầy đủ. Đồng thời, liên hệ với Công ty cổ phần chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai để giải quyết, tạo công ăn việc làm cho bà con ở làng tái định cư Dơ Nâu, nếu người dân có nhu cầu việc làm sẽ được nhận vào làm. Chính quyền địa phương cũng đề xuất với cấp trên xem xét, tạo mọi điều kiện bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân để bà con sớm ổn định, tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022, trong khu làng tái định cư, mỗi cụm gia đình thuộc các dân tộc khác nhau đều tổ chức những lễ cúng năm mới theo phong tục riêng. Văn hóa giao thoa là khi những hộ dân trong làng được mời đến tham dự, chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về. Những cánh hoa mai vàng báo hiệu mùa xuân về rộn ràng trên làng tái định cư Dơ Nâu, tiếng cười nói vang vọng một vùng với niềm tin về một năm mới đoàn viên, sung túc.