Ông Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Y tế; Lao động- Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp, nông thôn; Nội vụ; Giao thông, vận tải; Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời.
Cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động dự báo; chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa; chủ động phối hợp và giữ vững kỷ cương đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất để kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID -19. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.
Tiếp thu kiến nghị cử tri về đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.
Lần đầu tiên tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn trực tiếp và kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề cử tri và xã hội quan tâm như: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm, giải pháp ngăn chặn tình trạng đẩy giá đất lên cao nhằm trục lợi… Bên cạnh đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nghe báo cáo về công tác dân nguyện hằng tháng đã tạo nền nếp và chuyển biến về chất lượng, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý Nhà nước. Nhiều kiến nghị được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân. Một số kiến nghị cụ thể đã được các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Trong đó có Bộ Công Thương; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Giao thông, vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc…
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 41/41 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời về quy định tổ chức phiên tòa trực tuyến; việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp nâng cao chất lượng xét xử...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Dân nguyện chỉ rõ, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng. Một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do một số bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, không thống nhất về quan điểm khi nghiên cứu giải quyết. Kiến nghị cử tri mặc dù đã được bộ, ngành chỉ đạo giải quyết nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên chưa được giải quyết dứt điểm. Một số văn bản bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết...
Về các kiến nghị, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, tránh việc tổng hợp những kiến nghị này gửi lên các cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.