APEC cũng thống nhất cần tiếp tục tiên phong các nỗ lực toàn cầu về thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn lồng ghép vấn đề tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ vào các chiến lược và chương trình hành động quốc gia triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC tham dự phiên họp. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Với bốn phiên thảo luận, các đại biểu dự Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế đã trao đổi sôi nổi về các vấn đề: phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đối với phụ nữ là động lực cho tăng trưởng bền vững và bao trùm; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy tinh thần kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số và xây dựng tầm nhìn về tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Những vấn đề này là mối quan tâm chung của các thành viên, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2020.
Bà Lakshmi Puri, đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc cho rằng, các nền kinh tế APEC cần tăng cường trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy kinh tế APEC. Phụ nữ phải được đặt vào vị trí trung tâm để mang lại những giá trị đặc biệt cho nền kinh tế. Trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết hướng tới phát triển bền vững.
Các đại biểu cũng chia sẻ nhận định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững và bao trùm. Nhiều nền kinh tế trong khu vực đang đẩy mạnh triển khai các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và bao trùm, hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó chú trọng việc tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ. Trong một thế giới toàn cầu hóa và công nghệ số với nhiều thách thức đang nổi lên, cần có những hành động chung để tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Hội nghị cũng cho rằng, trao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và bao trùm trong khu vực APEC. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là một trong những yếu tố quyết định. Các cơ quan chính phủ, khu vực công - tư cần hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu đó.
Về tầm nhìn tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các đại biểu nhất trí rằng, trong giai đoạn đang có nhiều chuyển đổi như hiện nay, vấn đề then chốt là cần tăng cường vai trò, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách của APEC, nhất là trong việc xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020. APEC cũng cần tiếp tục tiên phong các nỗ lực toàn cầu về thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn lồng ghép vấn đề tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ vào các chiến lược và chương trình hành động quốc gia triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường phối hợp, bổ trợ giữa các cơ chế khu vực, liên khu vực và toàn cầu nhằm đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Cùng ngày, đã diễn ra hai hội thảo: Đối thoại công - tư về Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao tỷ lệ lãnh đạo nữ trong APEC và Hội thảo nữ doanh nhân APEC và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phiên Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế tiếp theo diễn ra vào ngày 29/9.