Nhân dịp này, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN Trần Đức Bình đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Đại sứ có thể đánh giá về những điểm nổi bật của hợp tác ASEAN trong năm 2018 và hướng phát triển hợp tác trong tương lai sao cho hiệu quả và thực chất phù hợp với mục tiêu phát triển của Hiệp hội và bối cảnh thế giới?
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến hết sức phức tạp, ASEAN năm 2018 vẫn là điểm sáng của sự hợp tác và đem lại những kết quả rất cụ thể. Các hoạt động hợp tác được triển khai sâu rộng trên cả 3 lĩnh vực Chính trị-An ninh; Kinh tế và Văn hóa – Xã hội.
Trong lĩnh vực chính trị an ninh, môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực vẫn tiếp tục được duy trì, đây là một kết quả rất quan trọng đối với ASEAN, là cơ sở để ASEAN tập trung vào phát triển kinh tế và liên kết kinh tế xây dựng cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, những giá trị và luật lệ quốc tế đang gặp phải những thách thức thì những giá trị và chuẩn mực của ASEAN tiếp tục được các nước chia sẻ và công nhận, cụ thể hiện nay đã có tới 37 nước tham gia Hiệp ước về Hợp tác và thân thiện (TAC), có 91 nước cử Đại sứ bên cạnh ASEAN. Để đảm bảo và duy trì được môi trường dựa trên luật pháp thì ASEAN trong năm nay đã thông qua được Bộ quy tắc về chống va chạm trên không để tránh những tình huống va chạm không chủ ý của máy bay quân sự hay thông qua các Hiệp định mẫu về Hợp tác và dẫn độ; Tổ chức các hội nghị về chống khủng bố, hợp tác an ninh mạng.
Kết quả nổi bật nhất trong năm nay đó là việc ASEAN đã thành lập mạng lưới các thành phố thông minh. Mạng lưới này có sự tham gia của 26 thành phố các quốc gia ASEAN, Việt Nam có Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Mục đích của mạng lưới này là nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và tận dụng công nghệ cũng như các giải pháp về công nghệ trong việc quản lý và giải quyết những thách thức về đô thị như: Tắc đường, giao thông công chính, ô nhiễm, tội phạm… và quan trọng nhất là cải thiện đời sống của người dân.
Lĩnh vực kinh tế cũng đã đạt được nhiều thỏa thuận với mục tiêu làm cho môi trường kinh doanh, đầu tư được thuận lợi. Trong năm nay, ASEAN đã xảy ra rất nhiều thiên tai, trong bối cảnh này thì hợp tác của ASEAN trong việc xử lý các thách thức về giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ nhân đạo cũng được triển khai mạnh mẽ, thể hiện được tình đoàn kết giữa các nước trong những tình huống khó khăn. Trong năm 2018, các quốc gia ASEAN cũng đã thông qua hướng dẫn về Hỗ trợ lãnh sự cho công dân mình ở nước thứ ba.
Về quan hệ đối ngoại, năm 2018 ASEAN đã đạt được những kết quả rất tích cực trong việc củng cố quan hệ đối tác với các nước như: Kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, 45 năm quan hệ với Nhật Bản, 25 năm quan hệ với Ấn Độ. Năm nay ASEAN đã nâng quan hệ đối tác chiến lược với Nga và nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược của ASEAN với các nước lên thành 8, hiện nay cả 8 nước tham gia cấp cao Đông Á đều là đối tác chiến lược của ASEAN. Qua đây có thể thấy vị trí, vai trò của ASEAN ở khu vực ngày càng được thừa nhận, đóng góp của ASEAN trong việc duy trì một trật tự mở dựa trên luật lệ tiếp tục được tăng cường và được các nước đánh giá cao. Năm nay ASEAN và Trung Quốc cũng đã thống nhất được văn bản chung để tiến tới cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, đây sẽ là cơ sở để ASEAN và Trung Quốc cùng đàm phán một văn kiện chung để tạo thuận lợi cho việc đàm phán trong thời gian tới, việc thống nhất này mới chỉ là bước đầu song nó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN và Trung Quốc.
Tình hình thực hiện các ưu tiên năm 2018 nhằm hướng tới hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 như thế nào, thưa Đại sứ?
Mục tiêu của ASEAN năm 2018 là tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các cam kết về xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2025, tăng cường liên kết kinh tế khu vực, duy trì nền kinh tế ở hướng ra bên ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Với mục tiêu đó, năm 2018 đã có 23 kế hoạch công tác chuyên ngành được đưa vào triển khai, có 80/118 ưu tiên đã được thực hiện.
ASEAN trong năm 2018 đã ký được Nghị định thư sửa đổi hiệp định thương mại hàng hóa thông qua việc chứng nhận hàng hóa xuất sứ ASEAN, ký Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 10 thuộc hiệp định khung ASEAN về dịch vụ. Việc cho phép doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một bước tiến rất quan trọng cho ASEAN để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khuôn khổ hợp tác ASEAN. Bên cạnh đó, các hoạt động tạo thuận lợi về hợp tác trong ASEAN về thương mại cũng được thúc đẩy, năm nay ASEAN đã ký hiệp định thương mại điện tử thông qua cơ chế hợp tác về quản lý số dữ liệu, mở rộng việc thực hiện hệ thống hải quan một cửa của ASEAN…
Tất cả những nỗ lực này đã giúp làm hạn chế những rào cản về phi thuế quan, xây dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân. Kết quả là năm 2018, kinh tế ASEAN tăng trưởng ổn định với GDP dự báo tăng trưởng 5,1% và sẽ duy trì mức này trong nhiều năm tới. Trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN thì liên kết nội khối có ý nghĩa hết sức quan trọng, hiện nay có hơn 22% giao thương của ASEAN là thuộc nội khối và tỷ trọng này ngày một cao hơn, ASEAN cũng đang thực hiện các biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư hướng đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi tỷ trọng thương mại nội khối, đây là những điểm hết sức quan trọng và nó sẽ là mục tiêu để ASEAN có thể trở thành một thực thể kinh tế mạnh ở khu vực đồng thời là thực thể kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
ASEAN cũng đang tích cực thực hiện cam kết mậu dịch tự do với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, tiếp tục cập nhật và nâng cấp các cam kết này để phù hợp với trình độ và nhu cầu thực tế. ASEAN và 6 nước đối tác cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), việc đàm phán này cũng đang đi vào giai đoạn cuối và mục tiêu là trong năm 2019 sẽ hoàn tất toàn bộ việc đàm phán.
Theo Đại sứ, trong năm 2018, Việt Nam đã có những đóng góp gì đối với sự phát triển của ASEAN và trong năm 2019 Việt Nam sẽ tiếp tục những hoạt động của mình như thế nào?
Năm 2018 Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực cho ASEAN, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN vào tháng 9/2018 tại Hà Nội. Tại hội nghị này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã chia sẻ và đề ra những định hướng cho việc thúc đẩy kinh tế ASEAN phát triển cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tạo được môi trường kinh doanh thúc đẩy thương mại, đầu tư thuận lợi trong ASEAN. Những sáng kiến mà Thủ tướng nêu đã được các nhà lãnh đạo hoan nghênh. Năm 2018 chúng ta là quốc gia điều phối về đàm phán trong lĩnh vực đầu tư trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), chúng ta đã cùng với các nước xây dựng gói cam kết để tạo cơ sở cho việc kết thúc đàm phán trong thời gian tới theo lộ trình.
Năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chủ trì thành công hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi cùng với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Hội nghị này đã đặt nền tảng cơ sở cho hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ trong thời gian tới. Đối với lĩnh vực hợp tác nội khối thì có rất nhiều các hoạt động Việt Nam đã có những đóng góp, chúng ta đã dành ưu tiên rất lớn cho việc thực hiện kế hoạch tổng thể về kết nối của ASEAN, tăng cường sự gắn kết liên thông cũng như là hạ tầng cơ sở của ASEAN, chẳng hạn chúng ta đã tham gia và đề xuất danh mục các dự án có thể được triển khai từ đó để thu hút sự quan tâm đầu tư của các thể chế tài chính cũng như là khu vực tư nhân.
Việt Nam cũng đã đảm nhiệm tốt vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ nhiệm kỳ (8/2015-8/2018) và tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Nhật Bản nhiệm kỳ 8/2018 – 8/2021, với việc chủ trì xây dựng Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản và phối hợp với Nhật Bản chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có sự kiện Ngày ASEAN – Nhật Bản lần đầu tiên, dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2019.
Những đóng góp trong năm nay sẽ là nền tảng để Việt Nam chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.