Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn báo chí về những kết quả đạt được tại ASOSAI 14 và phương hướng triển khai nhằm đạt được những mục tiêu của ASOSAI trong thời gian tới.
Đại hội ASOSAI 14 đã thành công tốt đẹp. Ông đánh giá như thế nào về việc chia sẻ dữ liệu giữa các thành viên ASOSAI đã mang lại những giá trị gì cho ASOSAI? Hình thức kết nối nào có thể áp dụng trong nội bộ thành viên của ASOSAI, thưa ông?
Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của ASOSAI là hội nhập, sáng tạo, đổi mới để mang đến giá trị gia tăng cho các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á. Để thực hiện được điều này, việc kết nối mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo đó, để kết nối dữ liệu, tại Đại hội ASOSAI 14, các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên đã thống nhất xây dựng trang thông tin điện tử của ASOSAI, từ đó các Cơ quan kiểm toán tối cao có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu.
Cùng với đó, thành viên ASOSAI đã lựa chọn 3 trung tâm đào tạo kiểm toán ASOSAI của các Cơ quan kiểm toán tối cao: Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Đây là nơi đào tạo các kiểm toán viên của ASOSAI. Đồng thời, Đại hội ASOSAI 14 khuyến khích các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên lựa chọn chủ đề thực hiện kiểm toán chung; thúc đẩy các ủy ban như: Ủy ban chia sẻ kiến thức, Ủy ban chia sẻ các phương pháp kiểm toán và Ủy ban nâng cao năng lực cùng phát triển lên một tầm cao mới hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Chính vì vậy, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với ASOSAI là rất quan trọng.
ASOSAI cần xây dựng một cơ sở dữ liệu chung lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực chia sẻ kiến thức, đào tạo và định hướng kiểm toán. Bên cạnh đó là việc chia sẻ những kinh nghiệm và công nghệ về kiểm toán. Từ nguồn dữ liệu này, các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên ASOSAI sẽ cùng vươn lên, đạt mục tiêu chung là thực hiện chuẩn mực của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), từ đó giúp hoạt động kiểm toán đạt chất lượng và hiệu quả nhất.
Với vị thế là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy việc kết nối chia sẻ dữ liệu với các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên? Mục tiêu sắp tới của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là gì, thưa ông?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Với vị thế là Chủ tịch của ASOSAI, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là phải dẫn dắt lãnh đạo các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên triển khai mục tiêu của Đại hội ASOSAI đã đặt ra. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực của INTOSAI, trên tinh thần vì mục tiêu chung, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp sức mạnh của các cơ quan Kiểm toán Nhà nước tối cao, tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng ASOSAI. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam phấn đấu vươn lên trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính có tính chuyên nghiệp, uy tín, trách nhiệm và hiện đại.
Để làm được điều này, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cần nỗ lực tiếp thu tinh hoa của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, đồng thời nâng cao trình độ năng lực kiểm toán viên, áp dụng các công nghệ mới, cải tiến các quy trình, bám sát sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện công tác một cách chất lượng, hiệu quả nhất, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.
Lần đầu tiên trong các kỳ Đại hội của ASOSAI đã có tuyên bố được đưa ra, đó là Tuyên bố Hà Nội. Xin ông cho biết thông điệp chính trong Tuyên bố này là gì và những bước cụ thể để hiện thực hóa những định hướng này?
Tuyên bố Hà Nội là thông điệp đầu tiên và là mục tiêu xuyên suốt với chủ đề: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Theo đó, các cơ quan kiểm toán tối cao của châu Á phải nỗ lực hết sức mình bảo vệ sự liêm chính, đồng thời bảo đảm Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là phát triển bền vững. Cùng với đó là mục tiêu tăng cường năng lực cho các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hợp tác. Đây chính là những mục tiêu xuyên suốt của Tuyên bố Hà Nội trong thời gian sắp tới.
Ban Điều hành ASOSAI sẽ căn cứ vào Nghị quyết của ASOSAI để thúc đẩy các Ủy ban nhằm phát triển năng lực, chia sẻ kiến thức, đào tạo..., nhằm thực hiện mục tiêu của Đại hội ASOSAI 14, cụ thể hóa thành những kế hoạch, từ đó thúc đẩy, kêu gọi các Cơ quan kiểm toán tối cao thành viên cùng tham gia hoàn thành các mục tiêu của Tuyên bố Hà Nội.
Trân trọng cảm ơn ông!