Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Trưởng đoàn công tác Phạm Minh Hùng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành, những kết quả trong công tác cải cách hành chính tỉnh Bắc Giang đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang cần nghiêm túc nhìn nhận những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là việc giám sát, đánh giá hiệu quả của các dịch vụ công. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục chú ý đến thái độ, năng lực của cán bộ tiếp dân, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu quả của cơ chế một cửa điện tử, môt cửa liên thông.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thường xuyên quan tâm cải thiện các chỉ số cải cách hành chính; thực hiện tốt quy định về quản lý, sử dụng kinh phí trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nhận thức đúng, đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ cải cách hành chính đối với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Những năm qua, Bắc Giang luôn xác định cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2017, các chỉ số của tỉnh Bắc Giang có nhiều biến chuyển rõ nét như: Chỉ số cải cách hành chính đạt 82,74 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 30/63; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đạt 37,17 điểm xếp thứ 26/63 và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước đạt 93,14 điểm xếp thứ 4/63, đều nằm trong nhóm trung bình cao.
Công tác cải cách về thể chế, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả. 100% cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện chế độ một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng phần mềm một cửa vào giải quyết các thủ tục hành chính. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 1,57 triệu hồ sơ thủ tục hành chính; hầu hết các hồ sơ đã được giải quyết đúng và trước hạn; trong số này trên 195.000 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí, thời gian đi lại cho công dân, đồng thời, giảm áp lực cho bộ phận một cửa các cấp và là cơ sở để triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra, đoàn công tác Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã trao đổi với UBND tỉnh về những vấn đề còn tồn tại của địa phương như: Văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn chưa mang tính ổn định; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính còn chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; một số phần mềm quản lý riêng theo ngành, lĩnh vực còn chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối dẫn đến việc tích hợp, thống nhất với một cửa điện tử gây khó khăn trong quản lý, theo dõi và đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính; đối tượng tinh giản biên chế còn bó hẹp dẫn đến một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức hạn chế về năng lực, sức khỏe, tuổi tác...