Tham gia Đoàn kiểm tra có lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương công bố Quyết định và Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Đồng Nai, nội dung kiểm tra gồm việc phát hiện, chuyển giao, xử lý tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế, tiêu cực có dấu hiệu tội phạm. Việc giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trong đó có các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Mục đích kiểm tra là để đánh giá những ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của hai công tác nêu trên. Qua đó, kiến nghị xử lý những trường hợp cố tình vi phạm quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Đồng thời, kiến nghị những giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh, kiểm tra.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu Đồng Nai bổ sung, làm rõ những vấn đề mà Đoàn kiểm tra quan tâm. Về tiêu cực, Trung ương đã nhiều lần kiểm tra tại Đồng Nai và phát hiện nhiều sai phạm. Đồng Nai là địa phương có nhiều vụ việc phức tạp. Trung ương đã họp và có ý kiến những vẫn chưa xử lý dứt điểm. Qua kiểm tra, các thành viên của đoàn và tỉnh Đồng Nai cần nhìn nhận lại nghiêm túc, nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm.
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, thanh tra, kiểm tra là 2 cơ quan chủ lực phát hiện nguồn tin về tham nhũng, tiêu cực. Hơn 10 năm qua, Đồng Nai tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, song số vụ việc chuyển cơ quan điều tra là rất ít. Địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận về vấn đề này, chỉ ra nguyên nhân cụ thể.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị Đồng Nai nghị xác định rõ tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, tỉnh cần chỉ ra, làm rõ các nguyên nhân. Nhiều vấn đề Đồng Nai đã đề cập đến nguyên nhân nhưng chưa sâu, nguyên nhân khách quan chưa rõ, thậm chí còn nhầm lẫn. Nguyên nhân chủ quan ít đề cập.
Đồng chí Phan Đình Trạc cho rằng, mục đích chính của kiểm tra không phải là “bới lông tìm vết”, mà là để dịp để tự nhìn nhận, đánh giá lại, tự soi lại một cách nghiêm túc, thấu đáo những vấn đề nổi cộm, kéo dài, dư luận quan tâm.
Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tiếp thu ý kiến của các thành viên và Trưởng Đoàn kiểm tra. Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, bổ sung hồ sơ, báo cáo theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
Theo kế hoạch, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ kiểm tra tại 16 cơ quan, đơn vị ở Đồng Nai.