Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì Phiên họp. Phiên họp được nối điểm cầu trực tuyến với Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Thành ủy Đà Nẵng.
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án gồm 15 đồng chí
Tại Phiên họp, đồng chí Nguyễn Quang Dương đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án gồm 15 đồng chí. Theo đó, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng 3 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu được phân công, Ban Chỉ đạo dự kiến sẽ họp 6 phiên và tiến hành tổ chức các cuộc khảo sát, các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng… Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến về các dự thảo văn bản của Đề án trình Bộ Chính trị trong tháng 9/2022, trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII).
Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tiến hành cho ý kiến thông qua Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; Phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo; Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và Đề cương sơ bộ Đề án.
Các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan thường trực và bộ phận giúp việc trong việc xây dựng hệ thống các văn bản trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo thông qua tại Phiên họp thứ nhất. Các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá, việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một đề tài lớn, khó và rất quan trọng, tác động đến toàn hệ thống chính trị. Do vậy, Phiên họp ngày hôm nay là một trong những hội nghị đặc biệt quan trọng, mang tính tiền đề triển khai thực hiện Đề án. Đề án phải được hoàn thiện trong tháng 9/2022 trước khi Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) diễn ra, bởi vậy, các đại biểu cho rằng thời gian không còn nhiều nhưng khối lượng công việc cần thực hiện là rất lớn, nên kế hoạch hoạt động, cách thức triển khai thực hiện cần được Ban Chỉ đạo cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để hoàn thành Đề án chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong tình hình mới
Kết luận Phiên họp, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và những ý kiến đóng góp sâu sắc, tập trung của các thành viên Ban Chỉ đạo. Cơ quan Thường trực là Ban Tổ chức Trung ương và Tổ biên tập sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các thành viên trong Ban Chỉ đạo để hoàn thiện các văn bản.
Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Sau đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/9/2007 về những công việc cần làm để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X). Qua gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), nhiều vấn đề mới nảy sinh, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy Đảng ta tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo ở mức độ rất cao với khá nhiều văn bản đề cập đến vấn đề này, trong đó đặc biệt phải kể đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu, báo cáo phải bám sát Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), các quan điểm và 5 phương thức lãnh đạo của Đảng để tổng kết, đánh giá. Tuy nhiên, từ Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đến nay, có nhiều vấn đề mới đã diễn ra, nên báo cáo tổng kết phải có cái nhìn đổi mới dựa trên các nội dung về phương thức lãnh đạo của Đảng được ghi trong Cương lĩnh và kết hợp với các văn bản mới ban hành của Đảng, đặc biệt bám sát văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có như thế, báo cáo tổng kết mới mang tính hòa quyện, tổng quát, sát thực tiễn, nêu bật được những vấn đề mới và phản ánh được việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong tình hình mới.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của thành viên Ban Chỉ đạo đối với Đề cương sơ bộ, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu, xây dựng Đề cương chi tiết gửi các cấp uỷ, tổ chức đảng để thực hiện tổng kết từ cấp cơ sở đến Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ và phân cấp, đồng thời sẽ tiến hành tổ chức các hội nghị theo các cấp khác nhau.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp với Cơ quan thường trực cân nhắc, chọn lọc lại các chuyên đề. Theo đó, các chuyên đề cần tổng hợp các vấn đề lớn, sâu sắc, tránh sự trùng lặp, đồng thời sẽ yêu cầu một số cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện báo cáo chuyên đề. Đề án phải được hoàn thành trong tháng 9/2022, tức còn đúng 1 năm để triển khai thực hiện, tuy nhiên phạm vi của vấn đề lại rất rộng, do vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo cần phải tiếp tục nghiên cứu để tham gia đóng góp ý kiến xây dựng báo cáo và các chuyên đề gắn với chức trách, nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng mà các thành viên đang công tác.
“Các thành viên Ban Chỉ đạo đều là người có năng lực, chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể, do vậy, đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, trong đó trách nhiệm quan trọng nhất của các thành viên Ban Chỉ đạo là tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo và tham gia các hội nghị chuyên đề”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.