Băn khoăn về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng 13/6 là quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý.

Thu thuế thu nhập cá nhân với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

Đa số đại biểu nhất trí với phương án 1 và cũng là phương án Chính phủ lựa chọn: cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 123 của dự thảo Luật).

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), việc xử lý theo phương án này cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay, thể hiện thái độ mạnh mẽ của nhà nước trong việc xử lý thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có đủ bằng chứng về căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Đây là khoản thu nhập không rõ nguồn gốc, chưa được kê khai và người có nghĩa vụ kê khai phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Đại biểu phân tích, thực tế ở nước ta hiện nay, việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức là rất khó khăn. Cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác như thu từ thù lao giảng dạy, làm báo cáo viên kiêm nhiệm, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia thị trường bất động sản, chứng khoán... đã giúp họ thu về những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lương. Vì nhiều lý do, họ có thể giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Việc giấu không kê khai này là sai, trái với quy định, tuy nhiên, theo quan điểm luật học không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp. Mặc dù ai cũng có quyền nghi vấn về thu nhập, tài sản vượt trội của cá nhân đó nhưng ở góc độ pháp luật, không thể nhìn nhận tài sản, thu nhập đó là bất hợp pháp. Chừng nào chưa chứng minh được tài sản của họ có được là bất hợp pháp thì nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp. Kể cả trường hợp họ không giải trình được nguồn gốc tài sản cũng chưa thể thu hồi được bởi trách nhiệm chứng minh là của cơ quan có thẩm quyền, nhà nước pháp quyền không thể suy đoán có tội.

Đồng tình với phương án này, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) nhìn nhận, thực tế có thể xảy ra trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như thừa kế tài sản, cho, tặng. Trường hợp này, người kê khai tài sản đã giải trình nguồn gốc tài sản hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát tài sản cũng có lý do không chấp nhận vì tài sản thiếu giấy tờ chứng minh. Khi đó, chấp nhận hay không lại có phần thuộc về chủ quan của cơ quan kiểm soát tài sản nhưng cũng không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, nộp thuế thu nhập cá nhân như phương án 1 là phù hợp. Nếu quy định xử phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm như phương án 2 đối với loại tài sản được hình thành như đã nêu trên sẽ sinh ra mâu thuẫn xã hội và có xử phạt nếu đó không phải là tài sản phạm tội mà có.

Trong trường hợp người phải kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản theo 8 trường hợp đã quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu tại Điều 221 của Bộ luật Dân sự 2015 và cơ quan kiểm soát tài sản chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì áp dụng khoản 3, phương án 1 Điều 59, đồng thời quy định chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo Điều 237 của Bộ luật Dân sư. Để không lọt tội phạm, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất với các luật liên quan, đại biểu đề nghị Luật Phòng, chống tham nhũng quy định thêm trường hợp chấm dứt quyền sở hữu tài sản của người kê khai tài sản khi bản thân họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hình thành tài sản có giá trị lớn và có dấu hiệu phạm tội mà có.

Đại biểu Mùa A Vảng cho rằng, phòng, chống tham nhũng có nghiêm khắc đến đâu cũng khó xử lý triệt để tham nhũng nếu lòng tham không tự từ bỏ. Nhiều quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới mặc dù hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện nhưng tham nhũng vẫn tồn tại và xếp hạng thấp, trong khi có những quốc gia không ban hành riêng Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng công tác phòng, chống tham nhũng lại đạt hiệu quả và được xếp hạng cao trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu của sự thành công đó chính là sự công khai, minh bạch trong chính sách đầu tư, chi tiêu công, công tác cán bộ, sự giám sát của nhân dân và công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng khi còn đang trên ghế nhà trường.

Nhận định con người mới là yếu tố quyết định sự thành công, đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục Luật Phòng, chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân để giảng dạy tại các trường trung học phổ thông nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước, tương lai của dân tộc, giáo dục để con người không muốn tham nhũng khi có cơ hội tham nhũng.

Khai thuế thu nhập cá nhân ở vị trí có khả năng tham nhũng

Trong khi nhiều ý kiến tán thành với phương án 1, cũng có ý kiến nghiêng về phương án 2. Nêu quan điểm không tình với phương án 1, song đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) lại chỉ đồng ý chọn một phần phương án 2, đó là chỉ đặt chế tài xử lý vi phạm hành chính và phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai khi có hành vi không khai đầy đủ các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, có nghĩa là các tài sản không được kê khai sẽ bị xử lý. Mức độ xử lý tùy theo quy định, có thể tịch thu toàn bộ. Các tài sản, thu nhập đã được người có nghĩa vụ kê khai khai đầy đủ, không có cơ quan có thẩm quyền nào chứng minh là có liên quan đến vi phạm pháp luật, hành chính, hình sự hay buộc phải thực hiện nghĩa vụ dân sự, những tài sản này đương nhiên là tài sản hợp pháp, áp dụng cho mọi công dân trong xã hội.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Ngọc Thúy phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

“Đối với các tài sản đã kê khai, Ban soạn thảo quy định phải được giải trình hợp lý nguồn gốc. Quan điểm của tôi nhận thấy vấn đề này không thể đặt ra quy định để mang tính bắt buộc chung, vì lý do chúng ta không thể quy định chủ sở hữu tài sản có trong toàn xã hội phải giải trình nguồn gốc”, đại biểu Thúy nói.

Đại biểu cho biết, qua khảo sát ý kiến của những người làm công tác pháp luật, đa số cho rằng thực tế không phải buộc chủ sở hữu giải trình nguồn gốc toàn bộ tài sản của mình. Nhiều trường hợp người nhận tài sản cam kết không thể giải thích về nguồn gốc tài sản, có thể tài sản này phải thực hiện nghĩa vụ dân sự khác, ví dụ như gia đình có cha mẹ ký thác tài sản cho người con có uy tín trong gia đình nhưng yêu cầu không nói cha mẹ cho để thực hiện nghĩa vụ sau này. Hoặc những người mẹ đơn thân được cho tài sản để nuôi con nhưng cam kết không được nói ai là người đưa tài sản.

Từ các ví dụ trên, đại biểu cho rằng không thể áp đặt chủ quan là các tài sản này mặc nhiên chưa nộp thuế hay đặt ra quy định vi phạm hành chính, quy định giải trình, nếu không giải trình nguồn gốc tài sản, thu thuế hoặc xác định vi phạm hành chính để áp dụng chế tài là không hợp lý. “Giải trình tài sản nếu không hợp lý sẽ bị thu thuế thu nhập hoặc áp dụng chế tài xử lý hành chính, vừa không có cơ sở lý luận, vừa không phù hợp thực tiễn. Mặt khác, nếu quy định chỉ xử lý tài sản người có nghĩa vụ kê khai mà không giải trình nguồn gốc trong xã hội sẽ không bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu áp đặt sẽ không khả thi, dễ chủ quan, tùy tiện làm cản trở sự phát triển”, đại biểu nói.

Đồng tình với ví dụ của đại biểu Trịnh Ngọc Thúy về tài sản thừa kế, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) nêu quan điểm, hiện nay, trong điều kiện tài sản của mỗi người được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời do yếu tố tập quán tâm lý hoặc có lý do riêng mà nhiều người không muốn hoặc không công khai về tài sản và nguồn gốc tài sản. Việc giải trình tài sản thu nhập trong nhiều trường hợp sẽ khó đi đến thống nhất giữa người giải trình và cơ quan có thẩm quyền về tính hợp lý hoặc không hợp lý của tài sản. Do vậy, nhiều khả năng dẫn đến việc tranh luận, thậm chí khiếu nại kéo dài.

Mặt khác, giả thiết cơ quan có thẩm quyền đã kết luận được là người kê khai giải trình không hợp lý, nghĩa là người kê khai lúc này không có cơ sở để khẳng định quyền sở hữu đối với tài sản và cũng có thể tài sản này do tham nhũng mà có thì ngay trong Điều 59 lại quy định thực hiện việc đánh thuế thu nhập đối với người kê khai, nghĩa là coi tài sản trên là khoản thu nhập phát sinh của người kê khai. Điều này dường như mâu thuẫn với sự cố gắng chứng minh của cơ quan có thẩm quyền về giải trình của người kê khai là không hợp lý, vì chứng minh xong lại coi tài sản thu nhập không giải trình được hợp lý như khoản thu nhập phát sinh của người kê khai để thực hiện việc đánh thuế.

“Nếu coi là khoản thu nhập phát sinh thì thực hiện việc đánh thuế theo quy định có cần nhất thiết phải quy định thêm 1 điều ở luật này? Đồng thời, khi thực hiện việc đánh thuế cũng cần phải lý giải làm rõ cơ sở của việc đánh thuế đối với loại tài sản mà lúc này được coi như khoản thu nhập phát sinh của người kê khai với mức lên đến 45%”, đại biểu đề xuất.

Tranh luận với các đại biểu Mùa A Vảng, Đỗ Văn Bình, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân hiện được quản lý rất khoa học, chính xác. Câu hỏi đại biểu đặt ra là “tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm một điều kiện phải khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm, bổ sung vào Điều dự thảo Luật?”.

Theo nhận định của đại biểu, nếu biết con số cụ thể này, người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi. “Không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ có khoảng 1 đến 2 triệu mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe”, đại biểu nói.

Thanh Vân – Xuân Tùng (TTXVN)
Kê khai tài sản cần công khai, minh bạch
Kê khai tài sản cần công khai, minh bạch

Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trao đổi quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu nhấn mạnh, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm. Các đại biểu cho rằng, việc kê khai tài sản cần phải làm thường xuyên để xác minh rõ nguồn gốc và tránh bỏ lọt đối tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN