Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH do Thủ tướng trình bày (Phần 2)

Sáng 23/10, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo (Phần 2): 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

1. Về kinh tế:

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%[1]. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%[2]. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD[3]. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm[4]; thị trường lao động phục hồi tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,% kế hoạch, cao hơn 4,% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng[5]; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%[6]. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, tăng 6,3% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi[7]. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao[8] trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội[9]; đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026[10]. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới[11]; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh[12], phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch trong năm 2023. Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc[13], nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78 km[14].

Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh[15]; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số[16], quyết liệt triển khai Đề án 06 về cơ sở dữ liệu dân cư[17]. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kém hiệu quả[18]. Tiếp tục xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là 05 ngân hàng yếu kém[19]. Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm[20]; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn[21].

2. Về văn hóa, xã hội

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển[22]; quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước và phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp[23]; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn[24]. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%[25]. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện[26]. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực[27]; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%).

Chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên[28]; tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh[29]. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 02 bậc so với năm 2022[30]. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ... được quan tâm đầu tư. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được chú trọng. Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy mạnh mẽ; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực[31]. Công tác thông tin, truyền thông được quan tâm, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin và tạo đồng thuận xã hội.

3. Về tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

Tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm phát triển ngành thủy lợi, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên biển[32] và tích cực gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC). Huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long[33]; chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán chứng chỉ các-bon và phát hành trái phiếu xanh[34]. Triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

(còn tiếp)

----------------------------------------------------------------------

[1] Trong đó, GDP quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%, quý III tăng 5,33%, ước cả năm đạt trên 5%. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra là khoảng 6,5%, nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới. Theo báo cáo mới nhất của IMF (tháng 10/2023), dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của toàn thế giới là 3%; của các nước đang phát triển và mới nổi là 4%; của Thái Lan là 2,7%, của Malaysia là 4%, của Singapore là 1%, của Trung Quốc là 5%, của Indonesia là 5%, của Philipin là 5,3%; của Mỹ là 2,1%, EU là 0,7%, Nhật Bản là 2%, Hàn Quốc là 1,4%... Năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

[2] Ước cả năm khoảng 3,5% (chỉ tiêu Quốc hội giao là khoảng 4,5%).

[3] Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 496,3 tỷ USD; xuất siêu 21,64 tỷ USD; cả năm ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; đưa nước ta vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

[4] Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu trên 6,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt trên 3,35 tỷ USD.

[5] Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 726,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng % so với kế hoạch vốn năm 2022; nếu tính cả kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang thì tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 là khoảng 816 nghìn tỷ đồng.

[6] Tính chung 9 tháng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, tăng 5,9%.

[7] Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tính tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 0,95%; quý III tăng 4,57%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 0,6%; quý III tăng 5,61%).

[8] Trong đó, có thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất; ước cả năm miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

[9] Bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước khoảng 4%GDP; nợ công khoảng 39 - 40%GDP; nợ Chính phủ khoảng 36 - 37%GDP; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 37 - %GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 20-21% tổng thu ngân sách nhà nước (theo Nghị quyết của Quốc hội, giới hạn tương ứng đến năm 2025 là không quá 60%GDP, 50%GDP, 50%GDP và 25% tổng thu ngân sách nhà nước; ngưỡng cảnh báo tương ứng là 55%GDP, 45%GDP, 45%GDP).

[10] Những năm qua, mặc dù khó khăn trong đại dịch COVID-19, nhưng đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi và trích lập được trên 560 nghìn tỷ đồng để tăng lương cho 3 năm 2024 - 2026 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024.

[11] Trong đó, Moody’s xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”; Fitch xếp hạng ở mức BB, triển vọng “Tích cực”… Nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam phục hồi nhanh trong thời gian tới. Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 - 2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

[12] Trong đó, đã ban hành 16/39 quy hoạch ngành quốc gia, 14/63 quy hoạch tỉnh; hết tháng 9 có 90/110 quy hoạch được thẩm định xong, đang hoàn thiện quy trình để trình phê duyệt (đạt 81,8%).

[13] Các tuyến cao tốc đã hoàn thành là: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu. Đồng thời, nhiều dự án lớn, trọng điểm được khởi công, khánh thành (khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 03 cao tốc trục Đông - Tây, nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cầu Đại Ngãi, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hợp long cầu Mỹ Thuận 2...); phấn đấu khởi công thêm 05 dự án vào cuối năm 2023 (Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Hòa Liên - Túy Loan) và hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (trong đó có cầu Mỹ Thuận 2).

[14] Trong đó, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ 40 km, Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km, cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 15 km.

[15] Theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

[16] Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số/GDP đạt khoảng 15%.

[17] Đến nay, đã kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 13 bộ, ngành và 63 địa phương; triển khai trên toàn quốc 02 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 06 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”; cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu…

[18] Cắt giảm hơn 1/2 số công trình, dự án so với nhiệm kỳ trước.

[19] Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; trong 7 tháng năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được 128,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

[20] Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương các cấp có thẩm quyền xử lý 04 dự án còn lại.

[21] Trong đó, có dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vân Phong 1, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Khí hóa lỏng Cái Mép - Thị Vải; thúc đẩy triển khai các hợp đồng, chuỗi dự án điện khí điện Lô B - Ô Môn…

[22] Đồng thời, gắn kết hiệu quả giá trị di sản với phát triển du lịch. Tổ chức Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam… Nhiều lễ hội truyền thống, chương trình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức thành công. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

[23] Trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm… Đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đến hết tháng 9/2023, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô khoảng 20.210 căn; đang triển khai 419 dự án, với quy mô khoảng 392.635 căn. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách.

[24] Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên hợp quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

[25] Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

[26] Trong đó, đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế sau dịch COVID-19.

[27] Trong đó kết nối cung cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; trong 9 tháng đã đưa trên 111 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

[28] Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế; nhiều nhà khoa học có uy tín được thế giới vinh danh. Năm 2023, đội tuyển tham dự các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đều đạt thành tích cao, cụ thể: 11 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 12 Huy chương đồng và 05 Bằng khen. Nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế (năm 2023, có 05 đại diện lọt vào bảng xếp hạng đại học thế giới của Quacquarelli Symonds). Theo bảng xếp hạng của Research.com (tháng 3/2023), 13 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được xếp hạng thế giới ở 07 lĩnh vực: Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật liệu, Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng và Khoa học xã hội và nhân văn.

[29] Tập trung xây dựng, hoàn thiện 03 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; sẽ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia vào ngày 28/10/2023 tại Hà Nội. Đồng thời, triển khai 19 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030 theo định hướng: phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online), công tác hỗ trợ các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ tiếp tục được triển khai hiệu quả; cơ sở dữ liệu về công nghệ liên tục được cập nhật.

[30] Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (hạng 5) và Malaysia (hạng 36), Thái Lan (hạng 43). Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

[31] Việt Nam đứng thứ nhất toàn đoàn tại Sea Games 32 được tổ chức tại Campuchia tháng 5/2023; lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia dự vòng chung kết thế giới.

[32] Đầu tư xây dựng, tiếp tục hoàn thiện nhiều hồ đập thủy lợi như Bản Mồng - Nghệ An, Ka Pét - Bình Thuận, Tân Mỹ - Ninh Thuận, Krông Pách Thượng - Đắk Lắk… Tăng cường bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, bảo tồn biển Việt Nam. Triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; đang xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập mới các khu bảo tồn biển để mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái. Thực hiện Chiến lược phát triển ngành thủy lợi, Kế hoạch hành động về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước và các quy hoạch thủy lợi vùng và lưu vực sông lớn; phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi… Đang phối hợp với Đoàn kiểm tra của EC để đề nghị gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2023.

[33] Bố trí 4 nghìn tỷ đồng cho khắc phục sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long và tiếp tục khẩn trương xem xét bố trí vốn cho các dự án khắc phục sạt lở ở các khu vực khác; đồng thời xây dựng phương án vay nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững trong vùng với tổng vốn vay dự kiến khoảng 2,53 tỷ USD.

[34] Trong đó, tích cực xây dựng tiêu chí môi trường, xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; đã bán được 10,3 triệu tấn CO2 tương đương trị giá 51 triệu USD.

TTXVN/Báo Tin tức
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH do Thủ tướng trình bày (Phần cuối)
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH do Thủ tướng trình bày (Phần cuối)

Sáng 23/10, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN