Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ngoại thương

Sáng 14/9, tiếp tục phiên họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật quản lý ngoại thương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp sáng 14/9. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ngoại thương

Chỉ ra một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về hoạt động ngoại thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nêu: Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; hệ thống pháp luật ngoại thương hiện hành và những yêu cầu hoàn thiện pháp luật về ngoại thương còn có sự trùng lắp, chồng chéo, sự minh bạch chưa cao, tính ổn định, dự báo còn thấp.

Cơ chế quản lý hoạt động ngoại thương hiện hành đang tạo ra những rào cản về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, dự thảo Luật quản lý ngoại thương cần được xây dựng trên nguyên tắc và theo quan điểm chỉ đạo là cải cách thủ tục hành chính, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi theo hướng hệ thống hóa, hài hòa hóa các thủ tục hành chính có liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, dự thảo Luật điều chỉnh bao quát các công cụ quản lý ngoại thương đồng thời đảm bảo tính linh hoạt trong việc xây dựng chiến lược ngoại thương và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này; bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động ngoại thương của thương nhân và tính cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý về các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ ngoại thương để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập...

Dự thảo Luật bao gồm 8 Chương, 114 Điều.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động ngoại thương

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương, đồng thời tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tận dụng tối đa những thuận lợi mà các cam kết quốc tế mang lại, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện phát triển hoạt động ngoại thương của thương nhân trong nước và nước ngoài, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Các ý kiến đánh giá, dự án Luật được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại năm 2005, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định chi tiết hơn những điều khoản về nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định trong dự thảo Luật; rà soát kỹ nội dung của dự án Luật này để tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác như Luật Thương mại, Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật đầu tư năm 2014, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016…

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo rà soát, làm rõ mối quan hệ của dự thảo luật này với Luật thương mại, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết hiện nay Luật thương mại chỉ chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ thương nhân với thương nhân, mối quan quan hệ với nhà nước, quản lý nhà nước, đề cập rất mờ nhạt; các quy định chủ yếu là khung, nêu khái niệm, các quy định cụ thể nằm ở các văn bản dưới luật; quản lý nhà nước chưa được quy định bao quát... Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói nếu dự thảo Luật quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua, sẽ bãi bỏ 7 điều và 3 khoản trong số 324 điều của Luật thương mại.

Cân nhắc phạm vi điều chỉnh

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế - Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật đề nghị quy định cụ thể Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong luật, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cao, minh bạch, ổn định, dễ áp dụng. Đồng thời, việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân được thể hiện ngay trong luật cũng phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vì việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau; đề nghị quy định rõ các trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và có sự phân biệt với các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân đề nghị cần rà soát lại tính hợp hiến của dự luật vì luật này có liên quan đến các điều cấm; việc qui định về hạn chế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không qui định ngay trong luật này mà giao cho Chính phủ qui định thì có phù hợp với Hiến pháp không? Đồng thời, cần cân nhắc đề xuất thành lập cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ với các luật của dự thảo. Về phạm vi, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nên đưa một số loại dịch vụ gắn liền hoạt động ngoại thương vào luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình nhìn nhận, dự luật đang đưa ra các qui định quản lý ngoại thương nhiều hơn là phát triển ngoại thương, trong đó qui định về cấp phép cho thấy quyền lực của Bộ Công Thương rất lớn.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu chưa được qui định rõ trong luật. Dẫn ví dụ từ việc Bộ Y tế cho phép nhập khẩu salbutamol để sử dụng điều trị bệnh, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại qui định đây là chất cấm trong chăn nuôi, đại biểu Hải cho biết do không có sự thống nhất, hạn mức nhập khẩu không cụ thể, dẫn đến lượng lớn chất này lọt ra ngoài, chưa rõ xử lý như thế nào.

Theo đại biểu Hải, nên ban hành chi tiết, đầy đủ danh mục cấm ngay trong dự thảo Luật. Ngoài ra, đại biểu góp ý, sau 10 năm thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam mới tiến hành điều tra phòng vệ thương mại được 6 vụ - con số nàyquá ít, cần cân nhắc kỹ việc thành lập cơ quan điều tra phòng vệ thương mại.

Theo chương trình, chiều 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Phiên họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
Phiên họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ Ba, chiều 13/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (thay thế Nghị quyết số 7/2003/NQ-UBTVQH11) và dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN