Theo các đại biểu Quốc hội, tài nguyên biển đang bị khai thác, đánh bắt “vô tội vạ”, khiến cho nguồn lợi thủy sản ven bờ bị khai thác cạn kiệt. Vì vậy, cần thiết phải có một bộ luật để chấn chỉnh hoạt động này, đồng thời giúp Việt Nam có cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp ngư dân nước ngoài đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Bảo vệ nguồn lợi thủy sảnNgày 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Thú y và Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trong đó, dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Theo các đại biểu, vì lợi ích trước mắt, nhiều ngư dân sử dụng các phương pháp, ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt, đang diễn ra khá phổ biến, đe dọa nghiêm trọng đến sự sinh tồn của nguồn lợi thủy sản. Do vậy, cần có những quy định, biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khắc phục tình trạng đánh bắt bằng phương pháp giã cào, thuốc nổ.
“Chúng tôi đau xót khi thấy ngư dân đánh bắt bằng các phương pháp này. Họ buộc lưới vào hai tàu và kéo sát đáy, khiến cho không còn sinh vật nào sống sót. Không những thế, họ còn dùng chất nổ để đánh bắt cá, mang tính hủy diệt toàn bộ tài nguyên, gây hại cho môi trường, nhưng tới nay chưa có biện pháp mạnh để xử lý”, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho biết.
Theo các đại biểu, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km, hai quần đảo lớn, diện tích thềm lục địa trên 1 triệu km2 và hàng ngàn đảo nhỏ… Đây cũng là khu vực thường xảy ra tranh chấp với nước ngoài, ngư dân các nước khai thác trái phép trên vùng biển của nước ta. Do vậy, cần có công cụ pháp lý để xử lý những vấn đề này.
“Cần làm rõ khái niệm tổ chức và cá nhân nước ngoài. Vì có bao gồm chính phủ nước ngoài hay không. Thực tế, vừa qua có chính phủ nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta. Do vậy, luật cần quy định cụ thể, để làm cơ sở pháp lý cho chúng ta đấu tranh với chính quyền nước ngoài, khi họ cố tình khai thác trái phép tài nguyên của nước ta”, đại biểu Lê Văn Hoàng đề nghị.
Đa số các đại biểu đều cho rằng, cần sớm hoàn thành dự án luật này. Tuy nhiên, trước mắt cần làm rõ các khái niệm cơ bản để xây dựng luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: “Định nghĩa về đảo, bờ biển… chưa rõ ràng, hành lang bờ biển cũng rất khó hiểu. Do vậy, cần làm rõ thế nào là vùng bờ, vùng bờ biển, vùng biển, đảo, bán đảo, quần đảo… Ví dụ thành phố Quy Nhơn có đảo Cù Lao Xanh rất sát bờ, Nha Trang có khu vực đảo gần bờ thì gọi là gì?”.
Trao thêm quyền cho thú y viênThảo luận về dự thảo Luật Thú y, các đại biểu cho rằng, cần sớm hoàn thành luật này để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép cạnh tranh.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhận xét: “Hiện nay, hệ thống thú y địa phương chủ yếu là đi tiêm phòng, không có quyền quản lý. Ví dụ, việc giết mổ tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh thì họ lại không có quyền xử lý. Do vậy, cần trao quyền thêm cho họ trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở cấp địa phương, thành lập mạng lưới thú y viên để triển khai, tuyên truyền các chính sách bảo đảm an toàn vệ sinh. Đồng thời, quy định điều kiện kinh doanh giết mổ chặt chẽ, vì hiện nay giết mổ phân tán khắp nơi, môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi ở vùng dịch, để hạn chế thiệt hại cho người dân, đồng thời không để tình trạng bán chạy dịch, gây nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc quản lý thuốc thú y cũng cần rà soát lại, để hạn chế tình trạng thuốc kém chất lượng tới tay người dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho biết: “Trong lần đi giám sát, người dân phản ánh thuốc thú y có được đóng dấu kiểm định nhưng chất lượng không cao. Việc bảo quản thuốc còn để ngỏ. Ở nơi xuất xưởng đảm bảo chất lượng, nhưng tới tay người tiêu dùng lại không còn đảm bảo nữa. Ví dụ, vật nuôi được tiêm vắcxin nhưng vẫn mắc bệnh. Do vậy, cần quy định chi tiết về việc đảm bảo chất lượng thuốc, quy định bảo quản thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, để thuốc tới tay người tiêu dùng vẫn đảm bảo chất lượng”.
Nhiều ý kiến về hình thức sở hữu tài sảnMột trong những nội dung đáng chú ý khi thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là các quy định về hình thức sở hữu tài sản. Hiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang đề xuất hai phương án. Phương án thứ nhất là có ba hình thức sở hữu: toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án hai: có 2 hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng: “Nên để 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Bởi vì sở hữu toàn dân là đặc thù nhưng thực ra là một hình thức sở hữu chung”.
Tuy nhiên, đại biểu Phùng Quốc Hiển (Yên Bái) lại có ý kiến khác: “Theo tinh thần của Hiến pháp về sở hữu toàn dân thì Bộ luật Dân sự cần quy định ba hình thức sở hữu, bao gồm: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý các tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do đó, có thể xác định Nhà nước chính là chủ thể có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản này”.
Đại biểu Trần Du Lịch thì đề nghị: “Sở hữu toàn dân là sở hữu lớn nhất, sở hữu chung nhất. Luật phải ghi sở hữu toàn dân là sở hữu chung lớn nhất. Vì đây là khái niệm chính trị hơn là khái niệm pháp lý. Ngoài ra, phải bàn tính lại, Nhà nước và tổ chức của Nhà nước, đâu là pháp nhân, không là pháp nhân, có tài sản thế nào, không thể nói chung chung được” .
Hữu Vinh