Bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII

Ngày 20/12, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII tổ chức tại thành phố Cần Thơ chính thức bế mạc.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ ý kiến về kết quả thực hiện, hạn chế và khó khăn của phong trào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong năm 2018; chia sẻ các mô hình hay, cách làm tốt để bảo vệ trẻ em, từ đó rút kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp giúp hoạt động Hội ngày càng hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đều thống nhất nội dung hoạt động chính của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong năm 2019 cần xoay quanh công tác thúc đẩy bình đẳng giới, chống xâm hại và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái Việt Nam.

Theo nhiều đại biểu, hiện nay, đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, di cư, dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn; tình hình tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình ngày càng phức tạp; vai trò của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức... 

Là tổ chức đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, trước thực tế trên, các đại biểu đề nghị thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, luật pháp, chính sách về phụ nữ và công tác phụ nữ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và đưa vào cuộc sống. Qua đó bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và giúp phụ nữ có cơ hội bình đẳng, phát huy vai trò và năng lực trong gia đình và xã hội. 

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối kết hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội trong nước và nước ngoài để huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho chị em, đặc biệt chú ý tới đối tượng phụ nữ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn, phụ nữ là người dân tộc... nhằm thu hẹp dần khoảng cách về cơ hội và điều kiện phát triển của phụ nữ ở các vùng, miền.

Đồng thời, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận những thành quả của khoa học - công nghệ hiện đại, giúp phụ nữ cập nhật thêm được nhiều tri thức mới, nhằm nâng cao kiến thức bản thân, học hỏi được những cách làm việc hay, tốt để chủ động áp dụng vào thực tiễn, từng bước nâng cao tri thức và chất lượng cuộc sống, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Ngoài ra, các cấp Hội cũng chủ động tạo các kênh, diễn đàn mở trên mạng Internet để kiều bào Việt Nam trên thế giới, bạn bè quốc tế có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước; khuyến khích họ đóng góp ý kiến xây dựng nhằm thúc đẩy, nâng cao hơn nữa vị thế của phụ nữ trên trường quốc tế.

Trong công tác cán bộ Hội, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của người phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực xã hội cũng như trong gia đình, từ đó góp phần thay đổi nhanh, mạnh hơn nữa những định kiến giới vốn đã, đang tồn tại trong không ít người; quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý tài chính của Hội…

Nhiều đại biểu đề xuất Trung ương Hội xây dựng đội ngũ nữ dư luận viên trên mạng để tham gia phản ứng với các vấn đề kinh tế - chính trị của đất nước, qua đó chứng tỏ năng lực và vị trí của người phụ nữ trong xã hội.

Đối với công tác tổ chức các cấp Hội cơ sở, các đại biểu đề nghị cần quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở không kiêm nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch các đoàn thể khác. Ở các thôn, tổ dân phố, Ban công tác cộng đồng nếu chỉ còn 3 chức danh có phụ cấp (bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ công tác đoàn thể) thì cần phải có ít nhất một nữ và kiêm nhiệm Chi hội trưởng nhằm bảo đảm yếu tố giới cũng như đạt các chỉ tiêu về cán bộ nữ theo các nghị quyết của Đảng.

Các ý kiến đều khẳng định, sự cần thiết phải duy trì chi hội bởi đây là hệ thống "chân rết" vô cùng quan trọng trong triển khai công tác Hội đến từng hội viên phụ nữ, từng địa bàn thôn, tổ dân phố. Trung ương Hội cần định hướng, thống nhất trong toàn hệ thống Hội về việc tiếp tục duy trì chi hội trong hệ thống Hội; vận động những chị có tâm huyết, tình nguyện tham gia, có điều kiện hoạt động đoàn thể mà không có phụ cấp. Nhiều đại biểu cũng đề nghị cơ chế chăm lo cho chi hội trưởng nên để các tỉnh, thành tự chủ, bố trí tùy theo thực tế.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, những nội dung thảo luận tại Hội nghị là vô cùng cần thiết và ý nghĩa để các địa phương, các tỉnh, thành có định hướng chung về một vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến bộ máy, con người của hệ thống Hội.

Sau Hội nghị, các ý kiến sẽ được Đoàn Chủ tịch tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng văn bản chính thức đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư để hoạt động của các cấp Hội ngày càng hiệu quả hơn.

Hồng Giang (TTXVN)
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII

Ngày 19/12, tại thành phố Cần Thơ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5 (khóa XII).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN