Bế mạc Hội thảo Quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông

Chiều 24/11, tại Vũng Tàu, sau hai ngày làm việc với 32 tham luận và trên 100 ý kiến thảo luận, Hội thảo Quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã kết thúc tốt đẹp.


Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh chung. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương-TTXVN

Qua bảy phiên làm việc trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, các khía cạnh pháp lý của tranh chấp Biển Đông, triển vọng giải pháp về quản lý và giải quyết tranh chấp, mô phỏng tình huống đàm phán giữa các bên có yêu sách tại Biển Đông và kiến nghị các biện pháp thúc đẩy an ninh, ổn định và xây dựng lòng tin trong khu vực.

Bên cạnh các phiên làm việc chính, hội thảo đã tổ chức Chương trình Các lãnh đạo trẻ nhằm thiết lập mạng lưới nghiên cứu giữa các học giả trẻ đang nghiên cứu về vấn đề Biển Đông tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu trên thế giới để chuẩn bị thế hệ kế cận tiếp nối và phát triển những ý tưởng hợp tác ở Biển Đông.

Đánh giá về tình hình chung, các đại biểu cho rằng tình hình thế giới có tác động tới tranh chấp trên Biển Đông theo hai hướng. Một mặt, các quốc gia đều có lợi ích với một Biển Đông hòa bình, ổn định và mong muốn đảm bảo quyền tự do, an toàn hàng hải, hàng không qua Biển Đông.

Các quốc gia đều mong muốn thúc đẩy hợp tác biển, trong đó hợp tác kinh tế biển đóng vai trò chủ đạo. Mặt khác, Biển Đông là khu vực còn nhiều cạnh tranh, bất đồng, mất lòng tin, thiếu thống nhất giữa các nước về giải thích các khái niệm pháp lý, và tồn tại những ranh giới chiến lược chưa rõ ràng, dễ dẫn đến hiểu lầm và xung đột.

Về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, trên khía cạnh chính trị, chiến lược, các học giả nhất trí rằng để đảm bảo an ninh và ổn định ở Biển Đông, các bên cần thực thi chính sách tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên Biển Đông như quân sự hóa các điểm chiếm đóng hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo trái phép với quy mô lớn, xây dựng đường băng và khả năng lắp đặt các trang thiết bị quân sự của Trung Quốc tại các công trình nhân tạo ở Biển Đông. Các diễn biến mới này có thể dẫn đến chạy đua vũ trang tại Biển Đông và đe dọa đến hòa bình, an ninh của khu vực.

Trên khía cạnh pháp lý, các học giả tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là cơ sở để xác định các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia tại các vùng biển ở Biển Đông.

Một số học giả Trung Quốc lập luận về quyền lịch sử mà Trung Quốc có thể vận dụng để giải thích đường chín đoạn ở Biển Đông từ góc độ tập quán quốc tế. Tuy nhiên, lập luận này không nhận được sự đồng tình của nhiều học giả vì lịch sử đường chín đoạn được các học giả Trung Quốc xây dựng trên cơ sở số lượng hạn chế các tài liệu chính trị, không tham khảo các nguồn tài liệu khoa học đa dạng khác nhau của các nước.

Đồng thời, một số học giả đã đặt câu hỏi với học giả Trung Quốc về những vấn đề như giá trị pháp lý của đường chín đoạn, nội dung bao hàm trong quyền lịch sử, thực tiễn Trung Quốc sử dụng biển trong lịch sử, cũng như việc không có giải thích chính thức của Chính phủ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số đại biểu chia sẻ về các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có phán quyết về thẩm quyền của Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc và tác động của vụ kiện với triển vọng giải quyết và quản lý tranh chấp tại Biển Đông.

Trên khía cạnh hợp tác, nhiều mô hình hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và hợp tác khai thác, quản lý tài nguyên đã được nhiều học giả thảo luận sôi nổi. Trong đó, mô hình hợp tác về tìm kiếm cứu nạn tại Bắc Cực và Bộ quy tắc về chống đâm va bất ngờ trên biển của Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương (CUEs) được đặc biệt chia sẻ như là các bài học khả thi cho hợp tác tại Biển Đông.

Tại phiên đàm phán giả định, các đại biểu cũng thảo luận về đề xuất thành lập Hội đồng chuyên gia của Liên hợp quốc để tư vấn cho các bên về lĩnh vực và khu vực hợp tác. Đề xuất này được các học giả của các bên có yêu sách tại Biển Đông ủng hộ trên cơ sở thực hiện nguyên tắc của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và chấm dứt các hành động đơn phương tại Biển Đông.

Ngoài ra, các học giả cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động đơn phương trên Biển Đông đã dẫn đến tình trạng hủy hoại và cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên, gây căng thẳng và làm ảnh hưởng đến lòng tin trong khu vực. Do đó, thực hiện nghĩa vụ kiềm chế, không thực hiện các hành động đơn phương là việc làm cần thiết để thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông.

Để ứng phó với sự tàn phá hệ sinh thái biển gần đây, các bên cần nhanh chóng xây dựng một cơ chế quản lý môi trường biển trên Biển Đông vì chiến lược phát triển bền vững.

Trình bày kết quả thảo luận trước hội thảo, các thành viên của Chương trình Lãnh đạo trẻ chia sẻ nhiều ý tưởng về cơ hội hợp tác ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các bên cần có ý chí chính trị để cùng tìm biện pháp thực chất thúc đẩy hợp tác dựa trên lòng tin.

Từ đó, Tuyên bố của Nhóm Lãnh đạo trẻ khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nhà lãnh đạo trẻ ở tất cả các quốc gia, trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào mục tiêu chung là duy trì hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông, vì lợi ích của toàn bộ khu vực.

Phát biểu bế mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý nhận định, “hội thảo đã thảo luận sâu nhiều khía cạnh gai góc nhất ở Biển Đông như diễn biến trên thực địa, chiến lược quân sự của các nước, việc áp dụng luật pháp quốc tế, và tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

Triển vọng ở Biển Đông trong thời gian tới có thể ít xảy ra xung đột lớn, nhưng cấu trúc an ninh của khu vực đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng năm 2016 là một năm rất quan trọng của khu vực vì có nhiều tác nhân như tình hình chính trị nội bộ các nước lớn và các nước có liên quan, phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc và việc hình thành Cộng đồng ASEAN.

Tình hình Biển Đông có thể chịu tác động trái chiều từ nhiều khó khăn thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường ở các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy, các bên cần có các cách tiếp cận đa phương, đề cao các diễn đàn an ninh khu vực, tôn trọng tiếng nói của các quốc gia tầm trung, các quốc gia nhỏ, và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Đại sứ cũng chia sẻ, do thời gian hạn hẹp, một số khía cạnh quan trọng chưa được thảo luận sâu; tuy nhiên, Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất và là một nỗ lực có ý nghĩa nhằm đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của Biển Đông.

Xuân Vịnh- Mạnh Dương (TTXVN)
Tình hình thế giới tác động hai chiều tới tranh chấp Biển Đông
Tình hình thế giới tác động hai chiều tới tranh chấp Biển Đông

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 đã tập trung phân tích tình hình thế giới có tác động tới tranh chấp ở Biển Đông và những diễn biến gần đây xung quanh vấn đề Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN