Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon với các Trưởng đoàn chụp ảnh chung trong Hội nghị cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Trong khuôn khổ các cuộc họp bên lề hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á và các hội nghị liên quan tại Malaysia, ngày 22/11, phát biểu tại cuộc gặp với lãnh đạo các nước, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh các bên tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cần hết sức kiềm chế để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế.
TTK LHQ đưa ra lời kêu gọi trên sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông.
Trước đó, liên quan vấn đề này, ngày 21/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng các bên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực ở Biển Đông nên tránh quân sự hóa vấn đề này và ngừng mọi hoạt động xây đảo nhân tạo.
Phát biểu tại một cuộc gặp với lãnh đạo 10 nước thuộc ASEAN tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh vì sự ổn định trong khu vực, các bên tuyên bố chủ quyền nên ngừng hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các khu vực tranh chấp. Ông Obama cũng bày tỏ sự tán thành với việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử của giữa các bên bao gồm nghị quyết hòa bình về các vấn đề tranh chấp, quyền tự do hàng hải và hàng không.
Trước đó, ngày 27/10, hãng AFP đưa tin tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây được xem là động thái cụ thể đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ triển khai đều đặn các hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Theo Reuters, tàu USS Lassen đã tiến gần các bãi đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Các chuyến tuần tra tiếp theo có thể sẽ diễn ra.
Ngày 29/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.